Thái Nguyên phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

Thứ hai, 17/08/2020 14:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu tỉnh Thái Nguyên kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Một góc tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là “đầu tàu” tiên phong về phát triển kinh tế xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh dẫn đầu vùng về quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước và xuất khẩu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân, đặc biệt tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu và các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2,63%, cao hơn bình quân chung của cả nước; sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; nông nghiệp tăng trưởng tốt, xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tựu; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá với 10 dự án FDI, tổng mức vốn đăng ký 30,3 triệu USD.

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA 7 tháng đầu năm 2020, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, giải ngân đạt tỷ lệ 35% tổng số vốn kế hoạch được giao; tuy nhiên vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (42,7%), nhất là giải ngân vốn ODA còn rất chậm (1,7%).

Thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Để khắc phục hạn chế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần quyết liệt, sát sao hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thành lập Tổ công tác để rà soát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của từng dự án, đảm bảo tiến độ các dự án với tinh thần quyết tâm sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ toàn bộ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quá trình giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, dự án có khả năng giải ngân cao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; thực hiện lập Quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ đã được phê duyệt; xây dựng các quy hoạch, phương án phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng của địa phương, trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển một số lĩnh vực sau: (i) Công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ; (ii) Xây dựng và kinh doanh bất động sản; (iii) Nông, lâm nghiệp và thủy sản: (iv) Thương mại - du lịch và dịch vụ; (v) Y tế, chăm sóc sức khỏe; (vi) Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (vii) Công nghệ thông tin.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút có hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp, chú trọng thu hút đầu tư một số lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị xuất khẩu của cả nước, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết (EVFTA, CPTPP).

Thực hiện tốt công tác dân vận, dân tộc, ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức thụ hưởng vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, bản sắc riêng, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn Tỉnh và của cả vùng; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các vùng, xã an toàn khu, chế độ với người có công với cách mạng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan bảo đảm hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nhưng không làm kìm hãm, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra, tiếp tục phát huy vai trò là cực tăng trưởng, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)