Trong 5 năm qua, thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 12 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 25.250,390 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 14,92% (mục tiêu Đại hội XXIII là 12,68%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng giá trị Công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chiếm 70,2%, Thương mại, dịch vụ 23,2%, Nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,6% (mục tiêu Đại hội là 70% - 21% - 9%). Cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp, TTCN; thương mại, dịch vụ; nông, lâm, thủy sản: 59,5%; 26%; 14,5%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 70 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tổng giá trị sản xuất CN, TTCN đến năm 2020, ước đạt gần 17.522 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15,5%/năm (vượt 2,3%/năm so với mục tiêu Đại hội). Nhiều sản phẩm CN, làng nghề đạt mức tăng trưởng khá, như: Cơ kim khí tăng 17,1%/năm, chế biến lâm sản, đồ mộc tăng 18,1%/năm, chế biến lương thực thực phẩm tăng 16,5%/năm, các sản phẩm khác tăng 13,2%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 05 về “Phát triển CN - TTCN và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2016 – 2020”. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông tại các làng nghề, cụm công nghiệp (CCN) tạo điều kiện cho phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa, xuất, nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; tập trung giải quyết tồn tại về GPMB ở CCN; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai thực hiện thành lập mới và mở rộng 6 CCN làng nghề theo Nghị định 68/NĐ-CP; bảo đảm nguồn điện sản xuất cũng như sinh hoạt của Nhân dân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay cho DN, hộ sản xuất làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm CN, làng nghề...
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020”; chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Thành phố, của Huyện; tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98%, diện tích tưới tiêu chủ động đạt 95% diện tích canh tác.
Cùng với đó, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tập trung phát triển chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng và lợn thương phẩm cho thu nhập kinh tế cao; đàn gia cầm, thủy cầm siêu thịt, siêu trứng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung tăng nhanh…Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 3,4%/năm (vượt 0,8%/năm so với mục tiêu Đại hội đề ra).
Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, GPMB được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, toàn Huyện đã triển khai lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch theo quy định đảm bảo đồng bộ, được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển của Huyện và Thủ Đô Hà Nội. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp. Việc quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục quy định; phân bổ vốn đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Huyện và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Phối cảnh chung khu đô thị Hòa Lạc
Thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Huyện đến cơ sở đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Sau hơn 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đổi thay tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành nghề dịch vụ thương mại, nhất là nghề mộc truyền thống được tạo điều kiện thuận lợi phát triển, mang lại thu nhập khá cho người dân. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư ở các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tân Xã, Cần Kiệm; vùng trồng cây ăn quả hơn 700 ha ở các xã Kim Quan, Lại Thượng, Cẩm Yên; vùng trồng rau an toàn ở các xã Hương Ngải, Hạ Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất được quan tâm. Trên địa bàn huyện cũng hình thành 5 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 6 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng. Đến năm 2017, trên địa bàn Huyện có 21/21 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa, Thị trấn Liên Quan phát triển theo hướng đô thị); năm 2020 xã Đại Đồng đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển huyện theo hướng đô thị xanh
Song song với việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Thạch Thất cũng tập trung nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, an sinh xã hội, giáo dục - đào tào, y tế - dân số KHHGĐ. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, đến năm 2020 tỷ lệ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa ước đạt 88,5% (tăng 2% so với mục tiêu), tỷ lệ làng thôn đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa là 80% (tăng 4% so với mục tiêu); có 90,5% cơ quan đơn vị giữ vững và đạt đơn vị văn hóa (tăng 0,5% so với mục tiêu). Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và việc thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TU của Thành ủy về nếp sống văn minh trong việc cưới, Đề án Tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn Huyện tiếp tục được tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, hầu hết các đám cưới diễn ra trang trọng, tiết kiệm, lành mạnh, không tổ chức linh đình, dài ngày; các hủ tục lạc hậu trong việc tang đã được bãi bỏ, tỷ lệ hỏa táng tăng 35,7% so với năm 2015.
Kế thừa những bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ Huyện; kết quả đạt được sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, trong giai đoạn tới, huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của huyện, gắn với khai thác có hiệu quả thành tựu của Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư; chủ động, tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng giá trị thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp làng nghề, bảo đảm kinh tế huyện phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thành và chuẩn hóa toàn bộ hệ thống các quy hoạch đô thị, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận các tiêu chí đô thị. Quản lý tốt tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, cải thiện chất lượng môi trường, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển huyện theo hướng đô thị xanh.
Thường xuyên quan tâm, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội; thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, có ý chí, khát vọng, vươn lên, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Phấn đấu đến năm 2025, huyện có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân tốc độ tăng trưởng của Thành phố; phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; có thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/năm; thương hiệu và giá trị sản phẩm công nghiệp được nâng cao, huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp kỹ thuật cao.