Thực hiện chỉ tiêu về nước sạch sinh hoạt ở Quảng Ninh: Nhiều chuyển biến tích cực

Thứ sáu, 17/07/2020 14:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đều đạt trên 98%. Thực hiện chỉ tiêu này, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn.

Phun rửa bể lọc tại Nhà máy Nước Diễn Vọng (TP Cẩm Phả). (Ảnh Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cung cấp)

Hệ thống cung cấp nước được đầu tư đồng bộ

Toàn tỉnh hiện có 179 hồ với tổng dung tích hữu ích khoảng 313,35 triệu m3; trong đó có 27 hồ chứa thực hiện cấp nước đa chức năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp, sinh hoạt, tổng dung tích hữu ích 257,43 triệu m3. Tổng năng lực thiết kế tưới 25.355,5ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt 79,814 triệu m3, nuôi trồng thủy sản 1.500ha.

Đối với các hồ đập vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao 3 đơn vị quản lý, khai thác và vận hành (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông). Nhiệm vụ cấp nước cho 11/13 địa phương giao cho Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh với 25 nhà máy xử lý nước mặt và 20 giếng ngầm, hơn 2.290km đường ống, tổng lượng khai thác 205.000m3/ngày đêm; tổng số khách hàng cơ quan và nhân dân là 245.548 hộ. Trong quá trình vận hành, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp mạng cấp nước, đáp ứng nhu cầu khách hàng; trong đó đầu tư thay thế các tuyến ống cũ bằng vật liệu mới HDPE, nhằm nâng cao chất lượng nước, mạng đường ống hoạt động bền vững, có hiệu quả.

Đối với 2 địa phương còn lại, hệ thống cấp nước huyện Bình Liêu được cung cấp qua Nhà máy Nước Bình Liêu, công suất thiết kế là 2.000m3/ngày, công suất khai thác 1.200m3/ngày, cấp cho trên 80% dân cư đô thị (khu vực nông thôn hiện chủ yếu sử dụng nước hợp vệ sinh). Hệ thống cấp nước huyện Cô Tô được cung cấp từ nguồn nước hồ C4 (công suất 22m3/h), hồ Trường Xuân (công suất 25m3/h) và một số công trình khai thác nước dưới đất, tỷ lệ cấp nước đạt khoảng 97%.

Bên cạnh đó, hệ thống cấp nước tập trung nông thôn do Sở NN&PTNT chủ trì, đến nay đã hoàn thành đầu tư 10 công trình thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn (PforR), tổng công suất thiết kế 15.390m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 20.000 hộ dân vùng nông thôn, tăng 35% tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn so với thời điểm trước khi triển khai chương trình.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đầu tư tuyến ống truyền dẫn nước sạch cho người dân tại xã Liên Vị, TX Quảng Yên. (Ảnh: Công ty cung cấp)

Ông Vũ Văn Tám (thôn Vườn Chay, xã Tiền An, TX Quảng Yên) cho biết: Thôn được đầu tư hệ thống cấp nước sạch, đưa vào sử dụng 3 tháng nay. Trước đó, người dân thôn chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Đến nay, sử dụng nguồn nước máy bà con yên tâm hơn, nước đều và đảm bảo.

Để đảm bảo cung cấp nước ổn định, đủ lượng nước và đảm bảo chất lượng nước cấp theo quy chuẩn quy định từ nơi thu nước đến nơi sử dụng, cuối năm 2017 UBND tỉnh ban hành kế hoạch cấp nước an toàn. Trên cơ sở kế hoạch và để chủ động trong công tác điều tiết nguồn nước, đảm bảo cấp nước cho các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh giao Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát việc vận hành của các hồ đập cung cấp nước; lập sổ tay cấp nước an toàn; đánh giá các nguy cơ rủi ro cho nhà máy, khu xử lý, khai thác nước; nâng cấp trang thiết bị giám sát, điều khiển hệ thống cấp nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; xây dựng quy trình quản lý, ứng phó, khắc phục rủi ro; bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố, nhằm giảm thời gian ngừng cấp nước và đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định...

Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiểm tra đập nước Diễn Vọng và hồ chứa nước Cao Vân, tháng 4/2020. Ảnh: Hồng Việt

Đảm bảo an toàn nguồn nước

Theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tiềm năng nguồn nước trên địa bàn tỉnh vào khoảng 9,98 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng nước có thể đưa vào sử dụng chỉ khoảng 8,52 tỷ m3, trong đó lượng nước mặt là 8,08 tỷ m3 và nước dưới đất là 0,44 tỷ m3. Lượng nước có thể đưa vào phân bổ sau khi đã bỏ qua lượng nước dành cho dòng chảy tối thiểu và các nhu cầu thiết yếu khoảng 7,56 tỷ m3. Mặc dù hầu hết các đảo có lượng nước đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu sử dụng, tuy nhiên điều kiện khai thác còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tác động bất lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (suy giảm chất lượng rừng; đô thị hóa, công nghiệp, giao thông…) tác động bất lợi đến hệ thống công trình thủy lợi. Tình trạng nước thải, rác thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và sinh hoạt trên thượng nguồn xử lý chưa triệt để xả ra môi trường, là nguyên nhân gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cấp. Một số hồ đập nhỏ do có tỷ lệ rừng sản xuất lớn nằm trong vùng sinh thủy, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình khai thác rừng sản xuất, thường có tình trạng thiếu nước vào mùa khô...

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, ngăn chặn và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là các nguồn nước với mục đích sử dụng để cấp nước sạch phục vụ nhân dân, tỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông, các hồ chứa nước. Phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, tỉnh xác định 18 sông suối (11 sông, suối là nguồn cấp nước cho nhà máy nước) thuộc đối tượng phải khoanh định hành lang bảo vệ; 26 hồ chứa nước thủy lợi phải lập hành lang, cắm mốc bảo vệ nguồn nước...

Các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống thủy lợi và hệ thống cấp nước; bảo vệ rừng đầu nguồn của các hồ đa chức năng hiện có trên địa bàn tỉnh; triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hồ đập đa chức năng.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập kiểm tra khu vực thượng nguồn hồ Yên Lập và các nguồn nước suối chảy vào hồ. Ảnh: Hoàng Nga

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện phân vùng chức năng của nguồn nước các sông, hồ chứa, theo đó, yêu cầu các bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất phát sinh nước thải phải xử đạt quy chuẩn môi trường cột A khi xả vào lưu vực nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt. Định kỳ việc kiểm tra, rà soát từ khu vực thu nước đến thượng nguồn nguồn nước xác định các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra chất lượng nước tại các hồ chứa, sông, suối chảy vào hồ chứa; kiểm tra các nhà máy, khu công nghiệp có nguồn nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xử lý kịp thời các trường hợp gây ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp theo quy định

Mặt khác, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nếu để ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu nguồn và hồ chứa nước trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn của các hồ chứa đa chức năng trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, khắc phục các tồn tại về môi trường tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, làng nghề, bãi chôn lấp, nghĩa trang, ảnh hưởng đến nguồn nước. Các công ty thủy lợi, các đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn tăng cường quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp do đơn vị quản lý...

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nguồn nước; từng bước làm thay đổi thói quen và hành vi sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ chống suy thoát, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ công trình hồ chứa; tuyên truyền về các chế độ, chính sách để thu hút vào lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn và sản xuất, kinh doanh nước sạch; tăng cường thanh, kiểm tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các hoạt động khai thác tài nguyên, sản xuất... ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến tháng 6/2020 có 96% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội với trên 98% dân số đô thị được cung cấp nước sạch vào cuối năm nay còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị, đặc biệt là ngành nước.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)