Ngày 14-7, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 929/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Quảng Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Thị xã Quảng Yên được công nhận là đô thị loại III
Theo đó, căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Căn cứ nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; Xét đề nghị của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số 9349/TTr-UBND ngày 24-12-2019 về việc thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị xã Quảng Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Ninh; Xét đề nghị của Cục trưởng Cục phát triển Đô thị, ngày 14-7-2020, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định công nhận thị xã Quảng Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Thị xã Quảng Yên (được thành lập theo Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 25-11-2011 của Chính phủ) nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ninh và giáp thành phố Hạ Long và trên nhiều tuyến giao thông quan trọng. Về đường bộ có các trục đường quốc lộ 18, 10, đường Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; tỉnh lộ 331, 338. Đường sắt có tuyến đường Hà Nội - Hạ Long đi qua địa bàn; về đường thủy nằm trên tuyến đường ven biển Bắc Bộ nối Hải Phòng - Quảng Ninh với các tỉnh ven biển trong nước và quốc tế. Quảng Yên có 11 phường gồm: Quảng Yên, Đông Mai, Minh Thành, Cộng Hòa, Tân An, Yên Giang, Nam Hòa, Hà An, Phong Hải, Yên Hải; tám xã: Sông Khoai, Hiệp Hòa, Tiền An, Hoàng Tân, Cẩm La, Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong.
Thị xã Quảng Yên đang nỗ lực khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế biển, công nghiệp. Hiện nay, một số cụm công nghiệp, xây dựng đã và đang đầu tư, đi vào hoạt động có hiệu quả như: Cụm công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thuyền Hà An; Cụm công nghiệp Km7; cụm công nghiệp và sửa chữa tàu quy mô 200 ha tại phường Hà An, Nhà máy sửa chữa tàu biển của Công ty CP vận tải Biển Bắc, nhà máy gạch Thạch Bàn Xanh, nhà máy gạch Xuân Lãm, khu công nghiệp Đông Mai, khu Công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp và cảng Nam Tiền phong, đầm nhà Mạc, đã và đang đi vào hoạt động. Ngoài ra, thị xã cũng đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho các dự án phát triển công nghiệp khác như: Khu phức hợp Hạ Long Xanh .
Thị xã Quảng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế này. Tài nguyên du lịch tự nhiên Quảng Yên khá phong phú với nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như hai cây lim Giếng Rừng; Thác Mơ - hồ Yên Lập; đảo Hoàng Tân có núi đá vôi và một số hang động cổ, hàng trăm ha rừng thông nhựa trồng trên núi đất, có bãi biển trải dài từ phía Đông sang phía Tây đảo; đầm nhà Mạc với hơn hai nghìn ha mặt nước và rừng ngập mặn có các hệ sinh thái đa dạng.
Tài nguyên du lịch nhân văn của Quảng Yên phong phú và đa dạng. Cùng với những di tích lịch sử văn hóa đó, tại Quảng Yên còn có nhiều lễ hội khá nổi tiếng như lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, hội Chùa Đồng…; nhiều phong tục tập quán, truyền thống văn hóa cổ truyền của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ còn được lưu giữ cùng với nhiều món ăn, hải sản độc đáo. Đồng thời có những thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch nhờ vị trí gần các điểm du lịch đang được đầu tư mạnh mẽ như Hạ Long, Tuần Châu, Yên Tử, khu vực Cát Bà - Hải Phòng.
Hiện nay trên địa bàn thị xã Quảng Yên có khoảng hơn 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có một di tích cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Quảng Yên tự hào được xếp vào hàng các địa phương có mật độ tập trung di tích cao nhất trong cả nước. Chỉ tính riêng khu vực đảo Hà Nam đã có hơn 20 ngôi đình, chùa, 80 từ đường cùng với nhiều phong tục tập quán truyền thống về sinh hoạt, sản xuất của bà con vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn nếp sống đặc trưng của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng với đó, Quảng Yên còn có khá nhiều các lễ hội, trong đó có ba lễ hội lớn được tổ chức hàng năm, như: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống đồng. Vào mùa xuân, ở Quảng Yên có khoảng 20 chùa làng mở hội, 30 từ đường tổ chức ngày ra cỗ họ với tính chất như một lễ hội của dòng họ.