Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo và điện mặt trời mái nhà

Thứ sáu, 10/07/2020 15:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã có những bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, để các nguồn năng lượng này phát triển bền vững nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngoài sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, rất cần sự nhập cuộc nhanh chóng của các ban, ngành, địa phương, DN trong và ngoài nước.


Trong những năm qua điện mặt trời mái nhà đã có những bước phát triển đột phá ở nước ta

Đó chính là ý kiến chủ đạo trong Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn NLTT nối lưới và ĐMTMN” diễn ra ngày 9/7, tại TPHCM do Bộ Công Thương tổ chức.

Tính cấp bách của nguồn NLTT nối lưới và ĐMTMN

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu sử dụng điện của xã hội ngày càng tăng là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc-Nam. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất, hay một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới, thì việc phát triển các dự án NLTT nối lưới và ĐMTMN được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo vô tận ở nước ta. Do đó, để phát điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cần tận dụng được nguồn đất hoang hoá không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới, tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu-cụm công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với ĐMTMN, dù rất tiềm năng và dễ làm, nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính. Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, DN mong muốn đầu tư.

Để giảm bớt áp lực cho hệ thống điện quốc gia cần bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ, đồng thời phát triển mạnh nguồn NLTT và ĐMTMN. Bởi vì, không chỉ gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động, giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng của đất nước, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những người dân, DN lắp đặt ĐMTMN… khi phát triển nguồn NLTT và ĐMTMN cũng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt các nguồn năng lượng này còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045.

Vì vậy, hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư, DN, chuyên gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ những giải pháp, công nghệ, kỹ thuật, thị trường NLTT; nêu các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai. Đồng thời tạo diễn đàn mở để các cơ quan quản lý địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư, DN bày tỏ ý kiến, góp ý, khuyến nghị cho các bộ, ngành nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn điện NLTT nối lưới, ĐMTMN, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Nam trong thời gian tới.

Cả nước vào cuộc

Trên thực tế, với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT. Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, địa phương, các DN và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, ĐMTMN đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm… góp phần hình thành thị trường điện NLTT tại Việt Nam.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển NLTT nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, ví dụ như Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) với hàng loạt các sản phẩm và dự án phục vụ cho quá trình phát triển ĐMTMN tại Việt Nam. Mới đây nhất, tấm pin năng lượng mặt trời IREX (một sản phẩm của Công ty cổ phần Năng lượng IREX thuộc SolarBK) đã hợp tác với công ty pin mặt trời của Singapore tiếp tục mở rộng hợp tác để nâng cao công suất của dây chuyền sản xuất tế bào quang điện, nhằm đáp ứng thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu.

Thương hiệu tấm pin Việt Nam đầu tiên đạt được bảo hiểm hiệu suất đến từ một trong hai công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re IREX đã vượt qua hơn 500 bộ hồ sơ đề cử của các DN để lọt vào vòng chung kết và là 1 trong 14 DN trẻ đạt giải Năng lượng bền vững 2019…

Tại hội thảo, bên cạnh việc cập nhật thông tin, cơ chế chính sách hiện tại, nhiều ý kiến từ các cơ quan, ban ngành và DN cũng đã trao đổi, đề cập đến những cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới, cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải, hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ ĐMTMN…

Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn NLTT tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho DN, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)