Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn. Đến hết năm 2019, tỷ lệ dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, dự kiến đến hết năm 2020 đạt 91%.
Các em học sinh Trường THCS Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn rửa tay 6 bước.
Tuy vậy, những năm gần đây và dự báo những năm tiếp theo, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, gây nguy cơ thiếu về số lượng, kém về chất lượng.
Để giữ gìn bảo vệ nguồn nước sinh hoạt lâu dài, các cấp chính quyền cần quan tâm thực hiện; đồng thời, các giải pháp về phi công trình và công trình, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Đặc biệt, việc nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên nước là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền các địa phương nêu cao trách nhiệm; đồng thời, làm tốt vai trò tuyên truyền người dân trong việc giữ sạch nguồn nước.
Cùng với đó, nêu cao tinh thần tiết kiệm nước sạch bằng các việc làm thiết thực như giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quản lý rừng đầu nguồn bảo vệ nguồn sinh thủy, quản lý xả thải trong công tác khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp.
Song song với đó, công tác xây dựng quy hoạch phải hợp lý, sát thực tế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của người dân, công tác lập dự án cần tuân theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường trên toàn tỉnh đã được duyệt, cần có các đánh giá tác động môi trường, cùng với UBND các xã họp dân lấy ý kiến về địa điểm và quy mô xây dựng, gắn kết trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng công trình.
Lựa chọn loại hình cấp nước và mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp với đặc thù từng địa phương, xây dựng phương án thu phí nước sinh hoạt phục vụ cho công tác quản lý vận hành. Công khai hoá chương trình, dự án đến dân, công tác này được đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các dự án được hỗ trợ và huy động nhân dân đóng góp.
Các vấn đề được công khai và dân chủ như: chọn giải pháp, chọn phương án cửa thu nước, khu mặt bằng xử lý, đường đi tuyến ống..., công khai hoá phần Nhà nước hỗ trợ, phần nhân dân đóng góp.
Đoàn kiểm tra của văn phòng thường trực Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả"
vay vốn Ngân hàng Thế giứi kiểm tra cấp nước an toàn tại Trường THCS Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Hoài Văn)
Đa dạng hoá các loại hình cấp nước và vệ sinh môi trường cho phù hợp với từng vùng miền, ưu tiên đưa những giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào cấp nước tập trung như: công nghệ lọc nhanh, lọc áp lực (đối với cấp nước vùng thấp có quy mô lớn và vừa), lọc chậm theo phương pháp lọc ngược tự xúc rửa bằng áp lực nước bể chứa (đối với cấp nước vùng cao và quy mô nhỏ), đấu nối đường ống bằng thiết bị đấu nối chế tạo của các nhà cung cấp thiết bị.
Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước bằng đập ngầm trên sông suối vùng trung du và miền núi; tăng cường công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn, phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư ở thôn bản, đối với các huyện, xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tổ chức nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bằng hoạt động truyền thông vận động xã hội; đẩy mạnh công tác truyền thông vận động xã hội coi đây là một trong những công tác quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình; đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường đội ngũ và hoàn thiện kỹ năng cho truyền thông viên ở cơ sở trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước tại cơ sở.
Hy vọng rằng, với những giải pháp nêu trên, nếu thực hiện tốt thì người dân Yên Bái sẽ có một nguồn nước dồi dào, đảm bảo hợp vệ sinh.