Để hạn chế các tác động tiêu cực của đô thị hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, trong đó phải có quy hoạch đô thị theo hướng không gian xanh để phục vụ lợi ích của người dân.
Cây xanh là một phần trong phát triển đô thị chuẩn xanh. Ảnh: Thành Nam
Trong vài năm gần đây, phát triển đô thị “xanh”, đô thị thông minh, được đề cập rất nhiều trong các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có bộ quy tắc chung về đô thị “chuẩn” xanh, nên nhiều quan điểm vẫn lầm tưởng đô thị xanh chỉ cần là đô thị có nhiều cây. Tuy nhiên, mới đây, tại Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại, TS Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thực tế, một đô thị được coi là “chuẩn” xanh, cần nhiều yếu tố, trong đó cây xanh chỉ là một phần.
Đô thị xanh phải kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị.
Về mặt lợi ích, các đô thị “chuẩn” xanh sẽ giúp cải thiện môi trường sống của người dân và hạn chế các tác động xấu của thiên nhiên môi trường, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, thiên nhiên. Nếu xây dựng thành công các đô thị xanh sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí năng lượng,...
Trên thực tế, phát triển đô thị hiện đại, bền vững đang là xu hướng của thị trường bất động sản thế nhưng khái niệm về đô thị hiện đại lại đang được bàn cãi rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn và cách đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị, khiến nhiều vấn đề về môi trường, hệ sinh thái sống ảnh hưởng trầm trọng và khó lòng bền vững...
Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi các quy định, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã và đang diễn ra khiến đô thị Hà Nội phải đối diện nhiều thách thức lớn về quy hoạch, môi trường, hạ tầng cơ sở. Theo các chuyên gia, phát triển mô hình đô thị sinh thái sẽ đáp ứng mục tiêu cân bằng giữa khu vực làng xóm hiện hữu và khu phát triển mới, giảm việc di dân. Các đô thị sinh thái sẽ đem lại lợi ích xã hội cho người dân đang sinh sống tại các khu làng xóm hiện hữu, chuyển đổi các mô hình kinh doanh sang giá trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tương lai gắn liền với việc bảo tồn làng xóm hiện hữu.
Theo PGS.TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam, tầm quan trọng của tầm nhìn lâu dài trong quy hoạch đó là phán đoán, đưa ra những giải pháp để phát triển một cách bền vững.
“Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội”, KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh.
Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg cũng đã đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Yếu tố xanh được đặt lên hàng đầu trong xây dựng phát triển Thủ đô. Không gian xanh của Thành phố đã được xác định bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp và mặt nước bao gồm hệ thống sông, hồ, đầm… Việc khai thác, duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp…để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và bảo đảm môi trường sống đô thị.
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, thời gian tới, khi điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội thì các không gian xanh phải được tính lại trong tất cả các bài toán về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bất động sản, không gian công cộng… Chỉ khi quy hoạch được làm mang tính tích hợp cao thì mới hy vọng có được một kịch bản phát triển xanh, bền vững cho Thủ đô.
Nhìn chung, việc phát triển đô thị sinh thái hay thị trấn sinh thái không chỉ là xu hướng của Hà Nội, mà của cả thị trường bất động sản Việt Nam, cho nên cần xây dựng chính sách cụ thể để ưu tiên phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.