Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội - Ảnh: Hòa An
Sáng 26/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đến dự Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ huyện Gia Lâm nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là 1 trong 3 đại hội điểm của Đảng bộ TP. Hà Nội.
Gia Lâm quyết tâm trở thành quận vào năm 2025
Khai mạc đại hội, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, được Ban Thường vụ Thành ủy chọn tổ chức đại hội điểm, thực hiện bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ huyện.
Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ huyện Gia Lâm nhiệm kỳ 2020-2025 có 219 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 11.000 đảng viên tham dự.
Với tinh thần “Đoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Kỷ cương”, đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025; đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII và đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện; hoàn thành 20/20 chỉ tiêu. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hằng năm 11,03%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trung bình đạt 2.772 tỷ đồng/năm, vượt 67% so với kế hoạch.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến của Gia Lâm đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,88 lần so với năm 2015. Đến nay, huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung được tập trung đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị.
Tại Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực, phân tích chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện Gia Lâm quyết tâm thực hiện mục tiêu: “Phát huy truyền thống cách mạng và anh hùng; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; phấn đấu đến năm 2025, huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại”.
Với quyết tâm trở thành quận vào năm 2025, huyện Gia Lâm sẽ tạo đột phá về kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao...
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: Hoà An
Phát triển cần hài hòa giữa đô thị và nông thôn
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tin tưởng, Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm sẽ được tổ chức mẫu mực và thành công tốt đẹp, thực sự là đại hội điểm của thành phố, tạo tiền đề đưa huyện phát triển toàn diện, mạnh mẽ, sớm trở thành quận giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời tán thành với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, những giải pháp chủ yếu cùng với các chương trình và 2 khâu đột phá đã đề ra trong Báo cáo chính trị của huyện
Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý Đảng bộ huyện Gia Lâm chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025”; coi đây là thời cơ và cơ hội thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện trong 5 năm tới.
Là huyện đi sau các quận khác trong nội đô, tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng Gia Lâm phải chủ động đi tắt đón đầu một số lĩnh vực nhất là quản trị đô thị thông minh, phát triển ngành nghề trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0 để vượt lên trước.
Quá trình phát triển đô thị phải gắn với quá trình phát triển kinh tế đô thị và gắn bó hài hòa hữu cơ với phát triển nông thôn, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tránh tình trạng phát triển đô thị còn nặng về bề ngoài, nhà cao tầng rất nhiều, khang trang, nhưng thu nhập đầu người thấp.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để hình thành quận mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Huyện phải tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, và các thiết chế văn hóa thiết yếu...
Để đạt được mục tiêu đó, Gia Lâm cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Huyện Gia Lâm phải tiếp tục xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đảng viên.