Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư;
các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đầu cầu trực tuyến các địa phương.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã thành công bước đầu quan trọng, có đối sách đúng, kịp thời, có quyết sách cách ly tập trung, xử lý đồng bộ, quyết liệt; hệ thống chính trị và người dân tham gia tích cực với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhiều ca nhiễm đã được chữa khỏi, trong đó có nhiều người nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan cộng đồng. Trong quá trình đó, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng thông báo tin vui với hội nghị, năm nay là năm được mùa của Việt Nam trong bối cảnh thiên tai, hạn hán khốc liệt, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời nêu rõ, Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu. Lịch sử phát triển của Việt Nam luôn gắn liền quá trình PCTT. Chiến thắng thiên tai là ý chí và khát vọng của người Việt Nam, in đậm trong văn hoá của Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, thiên tai hiện nay diễn biến dị thường, trái quy luật, xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm, ngày càng trầm trọng. Hai năm qua, chúng ta luôn bị thiệt hại do thiên tai, lấy đi thành quả phát triển, tác động sâu sắc kinh tế - xã hội. Từ đầu năm đến nay, thiên tai hết sức khốc liệt. Do đó, công tác PCTT là khó khăn, phức tạp, chưa bao giờ kết thúc. Đảng, Nhà nước, các địa phương thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác PCTT.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao tổng kết của Ban Chỉ đạo đầy đủ, nêu nhiều kinh nghiệm tốt, nhất là các địa phương có nhiều bài học tốt. Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực cao của toàn dân, Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành; cảm ơn các tổ chức quốc tế đã hợp tác, hỗ trợ kinh nghiệm, kinh phí cho Việt Nam trong quá trình PCTT.
Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, chính quyền, các cấp, các ngành, nhân dân cả nước. Mỗi khi thiên tai, luôn có sự đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, MTTQ không để ai bị "đói cơm, lạt muối", "màn trời, chiếu đất". Có nhiều trận, nhiều đợt thiên tai diễn ra năm qua hết sức khốc liệt, nhưng hệ thống PCTT đã bám sát, chính sách kịp thời. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, công an đã triển khai nhiều phương tiện, các đơn vị trên địa bàn ứng phó, khắc phục cùng với người dân. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng tích cực dự báo, phổ biến, tuyên truyền cho người dân. Không chỉ ở cấp T.Ư mà các địa phương luôn tập trung lo việc này.
Thủ tướng nhấn mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được cải thiện, đầu tư nâng cấp mạnh mẽ. Thiên tai khốc liệt nhưng chúng ta đã chuyển dịch cơ cấu, nhờ đó đã hạn chế thiệt hại. Phòng ngừa, ứng phó được chú trọng. Nhiều công trình thuỷ lợi, PCTT quy mô cấp vùng đã được đầu tư. Ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế luôn được coi trọng. Công nghệ trong quan trắc, dự báo thiên tai được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới. Các nhà công nghệ Việt Nam phải nghiên cứu vấn đề này để hỗ trợ người dân. Công tác truyền thông cho người dân được coi trọng, kết hợp nhiều hình thức, đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ngày đêm quan tâm, dành công sức cho công tác PCTT; đồng thời cũng nêu rõ một số tồn tại, bất cập để từ đó các các cấp, các ngành, địa phương tăng cường nhận thức, có giải pháp khắc phục thời gian tới.
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, PCTT là nhiệm vụ thường xuyên phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân. Năm nay có nhiều bất thường thời tiết, Việt Nam có 11-13 cơn bão, hạn hán sau mưa lũ... chúng ta phải xem xét quy luật bất thường của thời tiết cẩn thận hơn để chủ động ứng phó PCTT thời gian tới.
Yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành, địa phương chú trọng: T.Ư và địa phương ca tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai" đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ, sát tình hình, không được chủ quan, chủ động ứng phó kịp thời, quyết liệt, bảo đảm an toàn cho người dân là hàng đầu. Cần khẩn trương kiện toàn các cơ quan PCTT. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả kịp thời, ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ về PCTT ở địa phương.
Rà soát phương án ứng phó thiên tai, TKCN; sẵn sàng vật tư ứng phó theo tinh thần "bốn tại chỗ". Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là yêu cầu quan trọng phải được quán triệt trong hệ thống. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của công trình hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho công tác này. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, TKCN, chia sẻ cơ sở dữ liệu, tăng cường hợp tác quốc tế.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Thủ tướng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã hợp tác, hỗ trợ thời gian qua, cũng như hỗ trợ Việt Nam thời gian tới; đánh giá cao tấm lòng hảo tâm của người dân hỗ trợ khắc phục hậu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ cụ thể:
Quan tâm các giải pháp về công trình, phi công trình bảo đảm cần thiết trong PCTT. Tổ chức sơ kết, chỉ đạo hoàn thiện lực lượng xung kích PCTT. Ủy ban Quốc gia rà soát, hoàn thiện các kịch bản huy động lực lượng, không để bị động bất ngờ, tổ chức diễn tập, ứng phó. Lực lượng quân đội là lực lượng quan trọng để huy động bộ đội, phương tiên tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản, công trình, thể hiện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Lực lượng công an chỉ đạo nâng cao năng lực PCTT, ngăn chặn tình trạng vi phạm đê điều, khai thác cát lòng sông trái phép... Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cập nhật các vùng sạt lở, trượt đất đá... Bộ Giao thông vận tải phải triển khai phương án bảo đảm an toàn đường sắt, đường thủy và đường bộ. Bộ Công thương xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý liên hồ chứa. Bộ Xây dựng xử lý vấn đề quy hoạch đồng bộ, nhất là khu đô thị bị úng ngập, quy hoạch vùng, điểm dân cư nông thôn. Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao nhận thức cho thầy và trò về ứng phó thiên tai. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, giáo dục phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho công tác PCTT hằng năm...
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương mang yếu tố quyết định tính mạng, tài sản của nhân dân, do đó cấp uỷ, chính quyền phải tích cực làm tốt công tác PCTT, nghiên cứu quy hoạch; củng cố công tác PCTT cấp huyện, xã. Tổ chức truyền thông trong cộng đồng. Bộ Khoa học và Công nghệ, các công ty công nghệ nghiên cứu để tạo ra hệ thống cảnh báo thiên tai hiệu quả. Thủ tướng mong cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân luôn nỗ lực để thành công trong công tác PCTT.
* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; 100 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24 nghìn ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20 nghìn tỷ đồng).
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra bảy đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24-4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL.
Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, hơn 44 nghìn nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; hơn 100 nghìn ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Chúng ta cần tăng cường Ủy ban Quốc gia PCTT và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cần đầu tư và mở rộng ngay bây giờ mạng lưới cấp nước cho ĐBSCL. Đẩy mạnh gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho người khó khăn. Trong trung hạn, Chính phủ cùng các đối tác tập trung vào phát triển bình thường mới, tăng cường củng cố cảnh báo sớm, can thiệp sớm khi thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn; tăng cường sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai. ADB tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đem lại sự phát triển bền vững.
Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam