Nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid - 19, cùng với những hoạt động tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, ngành công thương, chính quyền các địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN), nhằm bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp phát triển SXKD.
CCN Thanh Lãng (Bình Xuyên) đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hình thành 32 CCN với tổng diện tích gần 688 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang hình thành 18 CCN với tổng diện tích trên 376 ha. Trong đó, có 13 cụm đã được thành lập và giao cho chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng và 5 CCN được coi là hình thành.
Thống kê của Sở Công thương cho thấy, trong tổng số 13 CCN thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng thì có 4 CCN gồm: CCN Yên Đồng, CCN Tề Lỗ, CCN thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) và CCN Hùng Vương - Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên) đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tính đến hết năm 2019, các CCN đã thu hút được 541 hộ gia đình, doanh nghiệp vào đầu tư SXKD, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng, công tác đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Các CCN chủ yếu mới được chuyển chủ đầu tư nên gặp phải không ít khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư.
Cụ thể, CCN Hùng Vương - Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên) còn 1 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB; CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) giai đoạn 1 còn 15 hộ chưa nhận tiền đền bù GPMB; CCN Thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) còn gặp khó khăn về việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng khu vực trạm xử lý nước thải tập trung; CCN Đồng Văn (Yên Lạc) còn một số hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất không nhận tiền bồi thường mà yêu cầu chủ đầu tư trả giá rất cao, nên chưa thể hoàn thành GPMB phần còn lại (khoảng 6,2ha)…
Một số CCN đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang bắt đầu triển khai thi công xây dựng hạ tầng như: CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường), CCN Thanh Lãng (Bình Xuyên)… lại rơi vào thời điểm dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc thi công.
Với mục tiêu sớm hoàn tất, đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp, phục vụ phát triển SXKD, ngay từ đầu năm, Sở Công thương phối hợp với các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến xây dựng hạ tầng các CCN. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid - 19, đẩy nhanh tiến độ thi công các CCN đang xây dựng, mở rộng.
Tại CCN Thanh Lãng (Bình Xuyên), tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công đang tích cực triển khai các hạng mục để kịp tiến độ bàn giao cho đơn vị quản lý vào cuối năm.
Anh Phạm Trung Đoàn, Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Phú Vinh Vĩnh Phúc (đơn vị thi công hạng mục san nền của CCN Thanh Lãng cho biết: Để đảm bảo tiến độ, công ty đã tập trung huy động máy móc các loại và chỉ duy trì một ít công nhân, bố trí công việc rải rác, giữ khoảng cách an toàn khi làm việc và yêu cầu đeo khẩu trang, bảo hộ lao động đầy đủ. Nhờ vậy, đến nay, công ty đã hoàn tất 80% khối lượng hạng mục san nền bổ sung, phấn đấu đến cuối tháng 5/2020, sẽ hoàn thành hạng mục này.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên cho biết: CCN Thanh Lãng được hình thành nhằm mục đích phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất mộc ở thị trấn Thanh Lãng.
Để cụm sớm hoàn tất việc xây dựng hạ tầng và đưa vào sử dụng, UBND huyện Bình Xuyên chỉ đạo các nhà thầu tập trung máy móc, trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, phân công cán bộ thường xuyên có mặt ở công trường giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid – 19 cho người lao động trong quá trình thi công, tiến độ xây dựng và chất lượng từng hạng mục theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Nhờ vậy, mặc dù dịch Covid – 19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công, song tiến độ xây dựng hạ tầng CCN Thanh Lãng vẫn được đảm bảo.
Cụm CCN Đồng Sóc được UBND tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt thành lập tại Quyết định số 1231 ngày 1/6/2018 với quy mô 75 ha. Đến nay, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Vĩnh Phúc (chủ đầu tư) đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định; đồng thời, hoàn tất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN....
Hiện, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Vĩnh Phúc đang thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và công tác giải phóng mặt bằng, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thi công đủ năng lực để thi công các hạng mục công trình trong thời gian sớm nhất.
Các CCN còn lại như: CCN làng nghề Minh Phương, CCN Trung Nguyên, CCN Vĩnh Sơn, CCN Đồng Thịnh… cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp về mặt bằng SXKD, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid – 19.