Sáng 7/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Tham gia cùng đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Thùy Linh
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm 2017, do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ.
Trước sức ép về rác thải cũng như quỹ đất ngày càng eo hẹp, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý rác thải, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp, ngay từ năm 2017, Thành phố đã chỉ đạo tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt hoặc khí hóa, có thu hồi năng lượng để phát điện.
Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn được Thành phố xác định là nhiệm vụ cấp bách. Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục liên quan theo đúng tiêu chí đầu tư...
Báo cáo về tiến độ triển khai, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý cho biết, đến thời điểm này, đã hoàn thành 45% tổng số hạng mục chính của công trình. Cụ thể, bể rác số 2 hoàn thành 80% khối lượng công việc; bể rác số 1 hoàn thành 60% khối lượng; lò đốt số 2, số 3 cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống lò đốt, nồi hơi... Từ tháng 6/2020 sẽ triển khai lắp đặt các lò đốt số 1 và số 4.
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ thi công dự án đã bị ảnh hưởng, dự kiến chậm so với tiến độ 3 tháng...
Sau khi đi thị sát và lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao chủ đầu tư trong thời gian vừa qua đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy. Trong quá trình thi công đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành Thành phố để làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động, cho đến thời điểm này chưa xảy ra sai sót gì. Đặc biệt, Chủ đầu tư và các thành viên trong đơn vị thời gian qua đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19.
Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, công trình nhà máy đốt phát điện là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố, đây cũng là công trình thành phố kêu gọi 100% vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy ngay từ khi Thành phố cấp chủ trương đầu tư, đơn vị đã có nhiều nỗ lực cố gắng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tiến độ thi công hiện chậm so với yêu cầu tại buổi làm việc trước.
Trao đổi cụ thể về những vướng mắc Chủ đầu tư nêu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đối với việc thay đổi thông số thiết bị máy phát điện và trạm biến áp, vấn đề này Thành phố thống nhất và đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện toàn bộ hồ sơ gửi Sở KH&ĐT chủ trì cùng Sở Khoa học và Công nghệ và các sở ngành liên quan báo cáo trình UBND Thành phố trước ngày 15/5/2020.
Với vướng mắc liên quan đến công tác thi công 2 công trình phụ trợ ngoài nhà máy: Trạm bơm nước và tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm về nhà máy, hệ thống truyền tải điện, Chủ tịch Thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp các sở: Giao thông, Quy hoạch Kiến trúc, Tài Nguyên Môi trường tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác xác định hướng tuyến đường ống nước thô (xác định đặt ở rìa đường) từ Trạm cấp nước về Nhà máy, xác định ranh giới cắm mốc cột điện cao thế, thực hiện cắm mốc, thu hồi đất,..
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, song song với quá trình trình thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố cho phép chủ đầu tư, các sở, ngành đồng thời làm song song các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện.
Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Chủ tịch Thành phố cho biết, Thành phố sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và giao Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do vẫn phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo quy định, nên chủ đầu tư cần tính toán thời gian đến của các chuyên gia cho phù hợp, bảo đảm tiến độ dự án.
Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý hằng tuần có báo cáo (tiến độ, khó khăn, vướng mắc) để thành phố sớm tháo gỡ, tạo mọi điều kiện đưa dự án sớm đi vào hoạt động. Cùng với việc đẩy nhanh thi công, chủ đầu tư cũng chủ động xây dựng kế hoạch nghiệm thu, cố gắng rút ngắn thời gian để tiến hành chạy thử vào tháng 11/2020 và hoàn thành, đưa dự án vào vận hành trong tháng 12/2020.