Ngày 16/4, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về các nội dung: Điều chỉnh quy hoạch chung TP Cẩm Phả đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2045; đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh cuộc họp.
Quy hoạch chung xây dựng TP Cẩm Phả đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 27/3/2015, là công cụ pháp lý quan trọng để thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng và thu hút đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sau 5 năm, tỉnh cũng như các địa phương lân cận đã có nhiều thay đổi, phát triển và định hướng mới, do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cẩm Phả là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Theo phương án điều chỉnh, TP Cẩm Phả sẽ là một trong những đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ninh và là một phần trong chuỗi đô thị ven biển Quảng Yên – Hạ Long – Cẩm Phả - Vân Đồn – Móng Cái; có thế mạnh về công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, xi măng, cảng biển và công nghiệp hỗ trợ cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch biển; là đô thị điển hình trong chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh.
Dự kiến, đến năm 2040, quy mô dân số TP Cẩm Phả khoảng 330.000 người, đất xây dựng đô thị khoảng 8.400ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 3.700ha, chỉ tiêu 111 m2/người. Trên cơ sở này, thành phố sẽ tập trung phát triển không gian theo các hành lang chính với các khu trọng tâm: Đô thị sinh thái, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng chữa bệnh; hình thành các không gian xanh, dịch vụ công cộng và mở rộng không gian đô thị; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao và là khu vực để dự trữ phát triển...
Sau khi nghe ý kiến tham gia đóng góp của đại diện các sở, ngành liên quan, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cẩm Phả, đồng thời nhấn mạnh, thành phố phải xác định mục tiêu chiến lược, xuyên suốt là chuyển đổi từ nâu sang xanh, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển dịch vụ- du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; tập trung phát triển cảng biển và logistic đảm bảo tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, từng bước thành ngành kinh tế trọng điểm.
Đồng chí yêu cầu, quy hoạch phải làm rõ phương án điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống cảng biển, nhất là các cảng than để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố, cũng như ngành than trong từng giai đoạn.
Nghiên cứu, quy hoạch lại khu vực cảng Hòn Nét - Con Ong, tương xứng là cảng tổng hợp lớn của khu vực phía Bắc. Trong đó, phải tạo không gian dự trữ phát triển để thu hút đầu tư; tính toán lại kết nối giao thông với Khu Kinh tế Vân Đồn, đảm bảo hình thành vùng động lực về phát triển du lịch dịch vụ. Thành phố cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng tàu du lịch, sân golf; đồng thời, có phương án gìn giữ, bảo vệ diện tích rừng hiện hữu.
Các đại biểu nghe trình bày đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10000 Khu du lịch huyện đảo Cô Tô
đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10000 Khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, theo báo cáo của đơn vị tư vấn, khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cô Tô. Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu trên 5.170ha; mục tiêu phát triển Khu du lịch Cô Tô thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đặc sắc về văn hóa và sinh thái biển đảo, kết nối hình thành vùng du lịch Vân Đồn – Cô Tô, một trong hai đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2030.
Quy hoạch tập trung phát triển đô thị trên 3 đảo, với 5 phân khu. Dự kiến đến năm 2040, dân số Cô Tô vào khoảng 60.900 người, đất xây dựng các khu chức năng trên 1.100 ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 356 ha, chỉ tiêu 110-130m2/người.
Cho ý kiến chỉ đạo đối với quy hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cơ bản thống nhất với nội dung đồ án quy hoạch, đồng thời, yêu cầu huyện Cô Tô cùng đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tên đồ án quy hoạch sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Quy hoạch phải tận dụng tối đa diện tích đất có thể để phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển; tiếp tục cập nhật, bổ sung các căn cứ pháp lý vào quy hoạch, đồng thời, tính toán chi tiết, kỹ lưỡng các phương án kết nối giao thông đường thủy và đường hàng không. Đồng chí yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với huyện Cô Tô và đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình UBND tỉnh xem xét.