Để thúc đẩy đô thị hóa vùng vành đai, mở rộng không gian đô thị và quy mô dân số của thành phố Đông Hà theo chủ trương của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thời gian qua nhiều nguồn lực đã được huy động để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kỹ thuật ở các khu vực này. Vùng vành đai thành phố Đông Hà có ranh giới phía Bắc từ cầu qua sông Hiếu và dọc theo đường Hoàng Diệu đến khu đô thị Bắc sông Hiếu, dọc theo Quốc lộ 1 đến cầu Đông Hà. Phía Nam dọc theo đường Tân Sở (đường cứu hộ cứu nạn phía Tây) đến trạm cấp nước Vĩnh Phước. Phía Đông dọc theo kênh N2 từ sông Hiếu đến sông Vĩnh Phước. Phía Tây dọc đường Trần Bình Trọng đến đường Lê Thánh Tông và qua cầu Khe Mây đến cầu qua sông Hiếu giáp với đường Hoàng Diệu.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật được đầu tư ở vùng vành đai thành phố Đông Hà. Ảnh: HN
Vùng vành đai có diện tích khoảng 3.222 ha, quy mô dân số khoảng 21.000 người. Những năm trước, mặc dù đã được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư nhưng với nguồn lực còn hạn chế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng vành đai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống đường giao thông xuyên tâm, hướng tâm, đường vành đai; hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các công trình xử lý rác thải…
Thực tế này đã dần được cải thiện khi mà thời gian gần đây đầu tư cho hạ tầng ở các khu vực này đã được coi trọng để phục vụ yêu cầu mở rộng không gian phát triển của thành phố, tạo lập không gian liên kết trung tâm đô thị với vùng vành đai và các địa phương lân cận, đảm bảo phục vụ cho các nhu cầu khác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh, ưu tiên các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị… Với nhiều người dân ở làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, cuộc sống đã có bước đổi thay lớn khi mà con đường nhỏ, xuống cấp nặng nề xuyên qua làng ngày nào đã trở thành đường Thanh Niên rộng rãi, khang trang.
Chị Hoàng Thị Hương, một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi thấy cuộc sống tốt hơn nhiều vì sau khi đường Thanh Niên được xây dựng thì không chỉ việc đi lại, sản xuất, buôn bán tốt hơn mà diện mạo phố phường cũng đẹp và văn minh hơn”. Đây cũng là niềm vui của rất nhiều người dân phường Đông Thanh khi đường Hoàng Diệu được đầu tư xây dựng không chỉ thay đổi cuộc sống của họ theo hướng tốt hơn mà còn thúc đẩy nhanh quá trình đưa làng lên phố. Con đường này cũng cụ thể định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà và tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng và dân cư của thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hiếu.
Đường Thanh Niên, đường Hoàng Diệu là hai trong nhiều dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, kỹ thuật đã và đang được triển khai ở vùng vành đai thành phố Đông Hà trong thời gian qua để hướng tới mục tiêu đưa Đông Hà sớm trở thành đô thị loại II như: Đường Phường 2 đi Đông Lễ - Đông Lương, Lê Lợi nối dài, Trần Bình Trọng, Lê Thánh Tông, Tân Sở, Hoàng Diệu, Trần Nguyên Hãn, Cồn Cỏ, Thạch Hãn, Nguyễn Hoàng, cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu… Cùng với đó, nhiều tuyến đường khác cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, cấp điện, xử lý rác thải, xây dựng kè trên các sông, cải thiện chất lượng nước sông ngòi, hồ ao, khe lạch cũng được đầu tư mới, nâng cấp để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ngoài đầu tư cho hạ tầng, giải pháp hiệu quả đang được chú trọng thực hiện để thúc đẩy đô thị hóa vùng đai của thành phố Đông Hà là xây dựng mới các khu đô thị. Ngoài các khu đô thị do tỉnh và thành phố đã và đang đầu tư ở các phường Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lương, Đông Lễ, hiện nay một số doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực rất quan tâm đến các dự án xây dựng khu đô thị. Đơn cử Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam đề xuất dự án nghiên cứu xây dựng Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà có quy mô hơn 111 ha (giai đoạn 1 là 45,3 ha) và Khu đô thị Thuận Châu ở địa bàn phường Đông Lương quy mô gần 27 ha. Các dự án này sẽ triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên, cây xanh, có đầy đủ các phân khúc từ nhà biệt thự đơn lập đến nhà liền kề... với mục tiêu là mở rộng không gian đô thị, phát triển dân cư, hướng đến xây dựng thành phố xanh, thông minh. Tổng mức đầu tư của 2 dự án khoảng 2.660 tỉ đồng. Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ủng hộ ý tưởng triển khai các dự án trên, đồng thời giao các ngành chức năng, UBND thành phố Đông Hà tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai dự án…
Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng cho biết, thúc đẩy đô thị hóa vùng vành đai thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới là yêu cầu tất yếu, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và cân bằng tốc độ phát triển giữa các vùng trên địa bàn. Điều này không chỉ có ý nghĩa đưa Đông Hà sớm trở thành đô thị loại II mà thành phố sẽ phát huy tốt hơn vai trò đô thị động lực, tạo mối liên kết chặt chẽ với các đô thị lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và thành phố mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước