Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị”

Thứ tư, 15/05/2019 17:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc quốc gia (VIAR) tổ chức buổi Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị”, với sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản trên toàn quốc.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Dẫn luận Tọa đàm, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng (VIAR) cho biết, hiện nay công tác quản lý công trình kiến trúc, cảnh quan không gian còn nhiều khoảng trống, khiến cho không ít công trình kiến trúc, cảnh quan không gian có giá trị lịch sử bị mai một trong thời gian qua. Nhiều địa phương đang đối diện với những thách thức giữa phát triển và bảo tồn, không chỉ ở khu vực đô thị mà cả ở nông thôn, không chỉ các khu di sản thiên nhiên mà cả các công trình tôn giáo.

Dẫn chứng một số sự việc đang gây xôn xao dư luận (như quy hoạch Đà Lạt, nhà thờ Bùi Chu) để nói lên cách ứng xử của con người với những công trình kiến trúc, cảnh quan không gian có giá trị, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh, cần phải có những phương án đảm bảo sự hài hòa, hợp lý trong cách ứng xử với từng công trình cụ thể, đánh giá đầy đủ giá trị của các công trình kiến trúc, cảnh quan không gian có giá trị, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Theo KTS. Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cần coi đối thoại là phương án quan trọng hàng đầu nhằm bảo tồn di sản một cách chủ động, và cần xác định rõ quyền sở hữu tài sản để hoạt động đối thoại đảm bảo tính khả thi. Với tài sản công, người được giao quản lý phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật.

Trình bày tham luận “Vấn đề di sản mới trong tính liên tục đô thị”, TS.KTS. Trần Minh Tùng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, không tự nhiên mà Việt Nam hiện nay sở hữu một số lượng rất lớn những giá trị di sản. Đó là kết quả của quá trình chuyển hóa, tiếp nối theo dòng chảy lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm. Vì thế, cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, hợp lý và đảm bảo tính liên tục của phát triển đô thị.

Để bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị, TS.KTS. Trần Minh Tùng đề cập đến một khái niệm mới, đó là Di sản mới và cho biết, Di sản mới là những công trình xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIX, XX, nằm ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0. Việc di sản hóa các Di sản mới sẽ mang lại cơ hội để nhận diện những giá trị sáng tạo quan trọng không chỉ đối với công trình nổi tiếng mà cả với những công trình ít nổi tiếng hơn để thấy được tính hệ thống của di sản; hiểu được tầm quan trọng của việc tích hợp các yếu tố trong trào lưu văn hóa xã hội, mở rộng cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng, mở rộng đến cả trang trí nội ngoại thất trong công trình.

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng phát biểu kết luận buổi Tọa đàm

Cảm ơn các đại biểu đã tham dự Tọa đàm và chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu cho Bộ Xây dựng hoàn thiện chính sách về lĩnh vực kiến trúc, nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)