Về phía Trường ĐHXD có sự tham gia của PGS. TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHXD, GS. TS. Phan Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHXD, TS. Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế/Giám đốc CJV cùng lãnh đạo các khoa, các viện nghiên cứu, cán bộ chủ chốt của Trường ĐHXD; Về phía quốc tế có sự tham gia của TS. Kazuo Kyuma, Nghị sỹ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ của Chính phủ Nhật Bản, GS. Yozo Fujino, Giám đốc Dự án SIP và một số quan chức trong Văn phòng Quốc hội của Chính phủ Nhật Bản và nhóm nghiên cứu quốc tế của Dự án SIP.
Tại buổi làm việc, TS. Kazuo Kyuma, Nghị sỹ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ của Chính phủ Nhật Bản cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, Nhật Bản rơi vào khó khăn bởi trận động đất lịch sử và đã đẩy nước Nhật đi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Giờ đây, một trong những chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là khôi phục sự cường thịnh của quốc gia, trở thành một nước đứng đầu trong phát triển công nghệ. Để làm được điều này, Nhật Bản cần hướng tới hợp tác hợp tác quốc tế phát triển 10 công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ phát triển hạ tầng.
Dự án SIP sẽ hợp tác với trường ĐHXD trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, các chuyên gia trong Dự án SIP sẽ nỗ lực hết mình để có thể mang đến cho Việt Nam những điều tốt đẹp nhất trong bảo trì hệ thống đường bộ bền vững.
Còn theo GS. Yozo Fujino, Giám đốc Dự án SIP: Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và kể cả ở Nhật Bản cũng đã từng gặp sự cố tai nạn sập cầu, hậu quả gây ra thiệt hại cả người và của cải. Bài học để lại là cần kiểm tra, giám sát và bảo trì tốt hệ thống đường bộ. Nhật Bản là quốc gia có công nghệ tiên tiến và cũng từng có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam, chính vì thế việc hợp tác với Việt Nam trong phát triển hạ tầng, bảo trì hệ thống đường bộ là hết sức cần thiết.
Dự án SIP nghiên cứu tổng quan về sự phát triển chu trình quản lý hạ tầng đường bộ và những ứng dụng tại Nhật Bản và quốc tế. Dự án thực hiện từ 10/2014-3/2019. Phạm vi chính của Dự án là khảo sát, điều tra hiện trạng của hệ thống bảo trì đường bộ cũ và mới; sửa chữa, gia cố; kế hoạch bảo trì và hình thành trung tâm quốc tế về quản lý bảo trì đường bộ.
Tại buổi tiếp Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản và các thành viên Dự án SIP, TS. Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế/Giám đốc CJV đã giới thiệu sơ lược về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Trường ĐHXD. Trường có bề dày 58 năm đào tạo, 48 năm xây dựng và phát triển, hiện trường đã trở thành một trường đại học đa ngành, trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.
Trường rất chủ động tích cực trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển quan hệ song phương và đa phương với các nước. Trường hợp tác với gần 120 trường học trên thế giới và xây dựng thành công các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học; Tiến hành triển khai các dự án nghiên cứu, khoa học công nghệ với một số nước như Anh, Nhật Bản, Hà Lan…; Tổ chức nhiều hội thảo quốc tế lớn. Bên cạnh đó, trường tuyển sinh khoảng 100 sinh viên theo học các chương trình liên kết, trao đổi sinh viên hàng năm với Đức, Bỉ, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp.
Trong những năm qua Trường ĐHXD đã phối hợp với nhiều đối tác của Nhật Bản trong việc trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ xây dựng tiên tiến áp dụng cho Việt Nam. Nhật Bản là một quốc gia đi đầu, có nhiều kinh nhiệm trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhật Bản đã và đang tham gia vào rất nhiều dự án lớn về xây dựng dân dụng, hạ tầng và giao thông đô thị tại Việt Nam. Thông qua hợp tác này, các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm về bảo trì đường bộ cho Việt Nam, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực thực thi công tác này.
Tại buổi họp, có sự trao đổi giữa các chuyên gia hai bên Nhật Bản và Việt Nam để định hướng tìm ra cách thức thực hiện Dự án SIP một cách suôn sẻ và hiệu quả. Trường ĐHXD chính là cầu nối tạo ra một mạng lưới hợp tác xúc tiến nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiểm định, bảo trì sửa chữa hệ thống đường bộ, đảm bảo sự thành công của Dự án SIP tại Việt Nam.
Theo : Báo Xây dựng điện tử.