Tham dự Hội thảo có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực gia cố nền của Việt Nam và thế giới.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Chi hội Gia cố nền Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Công nghệ gia cố nền với các đặc tính về chất lượng vốn có của nó hiện nay đang được sử dụng ngày càng nhiều trên toàn thế giới cho mọi công trình xây dựng như xây dựng các đập, kè, kênh mương, đường dẫn, đường băng, kè đường sắt, tường chắn, công trình bảo vệ bờ dốc, các công trình thoát nước, hoạt động cải tạo sông, kiểm soát rò rỉ... Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này và hôm nay là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu thế giới. Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề về thiên tai bão lũ, sạt lở đất… thiệt hại lớn về người và của. Để khắc phục và hạn chế điều này, cùng với nhiều biện pháp khác nhau, chúng ta cần hiểu về công nghệ gia cố nền và những ứng dụng của nó. Các chuyên gia cần tham gia tích cực vào Hiệp hội Gia cố nền Quốc tế để có thể cập nhật và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn về chủ đề này.
GS. TS. Chungsik Yoo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cố nền Quốc tế (IGS) cho biết: IGS là một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ việc phát triển khoa học và kỹ thuật liên quan đến các công nghệ địa kỹ thuật. IGS là đơn vị kết nối các cá nhân và các thành viên từ tất cả các nơi trên thế giới với nhau, những người đang tham gia vào việc thiết kế, sản xuất, buôn bán, sử dụng hoặc thử nghiệm về vải địa kỹ thuật, màng địa kỹ thuật, các sản phẩm và công nghệ liên quan khác, hoặc những người tham gia giảng dạy, tiến hành nghiên cứu về các sản phẩm như vậy. IGS có 41 hiệp hội thành viên tại các quốc gia và vùng miền trên khắp thế giới. Tham gia vào IGS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này.
Những chủ đề được trình bày và thảo luận trong Hội thảo bao gồm: Nguyên tắc cơ bản của gia cố đất - GS. TS. Chungsik Yoo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cố nền Quốc tế, GS. Trường Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc; Công nghệ Tường chắn cao ở địa hình đồi núi với trường hợp nghiên cứu từ Ấn Độ - GS. Rajagopal Karpurapu, Học viện Công nghệ Madras, Ấn Độ; Giới hạn phạm vi gia cố lớp móng để hạn chế chênh lệch độ lún của bó vỉa hè - GS. Jiro Kuwano, trường ĐH Saitama, Nhật Bản; Cải thiện nền đất yếu bằng PVD, máy hút PVD và PVD nhiệt - GS. Dennes Bergado, Viện Công nghệ châu Á, Thái Lan; Giới thiệu một số công nghệ quan trắc cảnh báo sớm rủi ro, sụt trượt đất trên đèo Hải Vân - Nhóm nghiên cứu Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nhật (VJEC); Phá hủy của một trường hợp tường chắn trọng lực và một số khuyến nghị cho dạng kết cấu này - TS. Hoàng Giang, Chủ tịch Chi hội Gia cố nền Quốc tế tại Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ ô ngăn hình mạng Neoweb trong xây dựng công trình hạ tầng tại Đồng bằng sông Cửu Long - Công ty Cổ phần JIVC; Tổng quan tình hình sụt trượt trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, đoạn Bắc Rông, Thạch Mỹ: nguyên nhân và những biện pháp giảm thiểu - Nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học và Công nghệ địa kỹ thuật và công ty VJEC.
Hội thảo có sự trao đổi, hỏi đáp giữa người trình bày và người tham dự, tạo ra bầu không khí sôi nổi, thú vị. Các chuyên gia Việt Nam có thể tiếp thu được nhiều chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu quốc tế về chủ đề gia cố nền, về kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Ấn độ, Nhật Bản.
Như vậy, mặc dù thời gian không nhiều nhưng Hội thảo giúp các chuyên gia quốc tế có thể hiểu rõ hơn về tình hình gia cố nền tại Việt Nam cũng như hiểu về những trường hợp cụ thể và sự cố những công trình rủi ro tại Việt Nam. Các chuyên gia hàng đầu quốc tế với những kinh nghiệm quý báu của mình luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các chuyên gia Việt Nam. Qua đó, các chuyên gia Việt Nam có cơ hội không những tiếp cận những công nghệ mới, thiết bị đo đạc và phương pháp tính toán trong lĩnh vực gia cố nền cho các công trình xây dựng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời có cơ hội kết nối với mạng lưới các chuyên gia trong lĩnh vực trên toàn thế giới.
Theo : Báo Xây dựng điện tử