Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở, các phòng, ban thuộc Sở Xây dựng, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và Tổ chức Hội thảo phát triển Pháp (DWF). Trước khi triển khai Đề án này, từ năm 2009 đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (167) và gần đây là chương trình xây dựng chòi phòng, tránh bão lụt (716). Theo đó, Chương trình 167 đã huy động tổng số vốn được trên 793 tỷ đồng, với 32.490 hộ; Chương trình 716 hoàn thành 100% với 100 hộ được hỗ trợ về nhà ở.
Theo danh sách từ các địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.336 hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, thuộc địa bàn 17 huyện, thành phố cần được hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt (trong đó có 2.246 hộ cần xây mới). Theo đó, việc hỗ trợ sẽ thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp đến từng hộ với các mức: 12 triệu đồng/hộ; 14 triệu đồng/hộ;16 triệu đồng/hộ (tùy theo địa bàn). Ngoài ra, các hộ có nhu cầu sẽ được vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, tổng nguồn vốn của ĐA là 178.171.500.000 đồng. Trong đó, vốn Trung ương trên 44 tỷ, vốn vay tín dụng ưu đãi trên 50 tỷ, vốn huy động từ cộng đồng và các hộ hưởng lợi trên 66 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các nguồn từ Quỹ “Vì người nghèo” trên 16 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, huyện, vốn cấp cho ngành Xây dựng để phục vụ công tác lập Đề án, phí quản lý, tập huấn, thiết kế mẫu nhà ở v.v… Theo tiến độ đề ra, chương trình sẽ được thực hiện trong 3 năm: Năm 2014 hỗ trợ khoảng 20%, bằng 668 hộ; năm 2015, hỗ trợ 40% số đối tượng, bằng 1.334 hộ và năm 2016 hỗ trợ 40%, bằng 1.334 hộ.
Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Văn Tuấn đã nêu bật mục đích, ý nghĩa của ĐA. Là một tỉnh đông dân, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lại thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ … ĐA hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở sẽ góp phần nâng cao đời sống các hộ nghèo, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, giúp họ “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, để chương trình thật sự phát huy hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng. Ngoài công tác điều hành, chỉ đạo, cùng với chọn mẫu nhà phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, chịu được thiên tai, bão lũ … Vấn đề quan trọng trước tiên là công tác bình chọn, xét đối tượng thụ hưởng phải được tiến hành công khai, công bằng. Phải gắn ĐA hỗ trợ về nhà ở với Chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng như thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, các chính sách dành cho các vùng đặc biệt khó khăn … Đáng chú ý, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ Ngân hàng chính sách, nguồn lực huy động từ gia đình, dòng họ, từ các hộ nghèo và cộng động dân cư cũng chiếm số lượng không nhỏ. Vì vậy, vai trò của cán bộ cơ sở, bao gồm cả chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong quá trình thực hiện ĐA.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trịnh Tuấn Thành trình bày tóm tắt ĐA.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo ngành Xây dựng, các Sở, ngành liên quan đã trao đổi, giải đáp, làm rõ một số câu hỏi của đại diện các địa phương. Cùng với nêu câu hỏi, đại diện lãnh đạo các huyện thuộc chương trình ĐA đã thay mặt người dân, bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ dành cho hộ nghèo. Đồng thời, nêu quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, đạt tiến độ đã đề ra.
Theo Báo Xây dựng điện tử