Ứng dụng công nghệ mới cho kết cấu thép tại Việt Nam và Nhật Bản

Thứ bẩy, 15/11/2014 13:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 14/11, trường Đại học Xây dựng (ĐHXD), Trung tâm Xúc tiến Giao lưu Kỹ sư Việt Nam - Nhật Bản (CJV) và Tập đoàn JFE Steel đồng tổ chức Hội thảo “Công nghệ mới cho các kết cấu thép tại Việt Nam và Nhật Bản” tại trường Đại học Xây dựng. Hội thảo cũng có sự phối hợp của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải (ITST) và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST).

Các thành viên chính tham gia hội thảo

Hội thảo đã thu hút khách tham dự đến từ các Bộ, Cơ quan, Ban, Ngành, các công ty xây dựng, các trường đại học và các tổ chức nước ngoài. Về phía trường ĐHXD có sự tham dự của TS. Lê Văn Thành, Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng. Về phía quốc tế có sự tham gia của ônng Hiroshi Ueda, Phó Chủ tịch Tập đoàn thép JFE; TS. Akira Kazama, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thép của Tập đoàn JFE, cùng đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước.

Mục đích của hội thảo là nhằm giới thiệu về những công nghệ vật liệu thép của Nhật Bản cho các công trình xây dựng hạ tầng của Việt Nam và Nhật Bản cũng như xu hướng thiết kế kết cấu thép cho các tòa nhà cao tầng tại Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc - TS. Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường ĐHXD cho biết: Trong những năm qua trường ĐHXD đã phối hợp với nhiều tập đoàn xây dựng của Nhật để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu nhiều công nghệ xây dựng tiên tiến áp dụng cho Việt Nam. Có thể nói Nhật Bản là một quốc gia đi đầu, có nhiều kinh nhiệm trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhật Bản đã và đang tham gia vào rất nhiều dự án lớn về xây dựng dân dụng, hạ tầng và giao thông đô thị tại Việt Nam, trong đó có tập đoàn thép JFE - một trong những tập đoàn thép lớn nhất tại Nhật Bản. Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu và thảo luận để có những đề xuất phù hợp cho sự phát triển trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Các chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản và Việt Nam trình bày công nghệ vật liệu thép mới và chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng công nghệ vật liệu này trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm những chủ đề sau đây:

Xu hướng sử dụng kết cấu thép trong các công trình xây dựng tại Nhật Bản - ông Nobuyuki Takaki JFE-Steel: Nhiệm vụ tương lai phát triển kết cấu thép ở Nhật bao gồm tiêu chuẩn thiết kế cho các trận động đất lớn và kéo dài; tiêu chuẩn về các phương pháp phòng chống sự cố của cấu kiện thứ cấp; biện pháp cho việc thiếu lực lượng lao động trong xây dựng và năng suất hiệu quả cao chế tạo thép trong nhà máy.

Áp dụng kết cấu thép trong xây dựng tại Việt Nam - TS. Hoàng Tuấn Nghĩa, Bộ môn Thép Gỗ, Trường ĐHXD: Hiện nay số lượng dự án nhà cao tầng kết cấu thép tại Việt Nam rất hạn chế, chỉ khoảng dưới 10%. Tại Việt Nam chưa chế tạo được thép cường độ cao. Hướng phát triển cho Việt Nam là cần hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo thép kết cấu, công nghệ mới và nghiên cứu về vật liệu, kết cấu, tiêu chuẩn…

Thép cường độ cao trong xây dựng cầu và công nghệ ứng dụng tại Nhật Bản - TS. Jun Okada JFE-Steel: Đánh giá chung về cầu thép với những ưu điểm chung của thép cường độ cao trong xây dựng cầu là trọng lượng nhẹ, dễ dàng lắp ráp, bảo trì dễ dàng, giá thành thấp. Thép cường độ cao và ứng dụng trong xây dựng cầu tại Nhật;

Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho kết cấu cầu thép tại Việt Nam - ThS. Bùi Xuân Học: Hiện cầu thép ở VN chưa được quan tâm thích hợp, số lượng cầu thép được xây dựng là khá ít so với cầu bê tông. Việc phát triển cầu thép ở VN trong thời gian tới là cần bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn về thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, quản lý bảo trì cầu thép và nên phát triển cầu thép theo các đề xuất;

Công nghệ ứng dụng cọc ống thép cho nền móng tại Nhật Bản - Ông Shunsuke Usami JFE-Steel: Phương pháp cọc ống thép với dung lượng cọc lớn đã và đang phổ biến tại Nhật Bản. Khả năng chịu lực của cọc thép hầu như tương đương với cọc khoan nhồi. Phương pháp mới có khả năng giúp thu hẹp đường kính cọc và kích thước móng. Ngoài ra, lượng đất thải trong quá trình lắp đặt cọc được giảm đáng kể. Phương pháp cọc thép được đánh giá thân thiện với môi trường với những ưu điểm cắt giảm chi phí trong sản xuất và lắp đặt.

Ứng dụng vật liệu thép nhẹ nâng cao hiệu quả xây dựng - Ông Nobuaki Nomura, JFE Metal Products & Engineering Inc.: Các dòng sản phẩm bao gồm sàn: tấm sàn phẳng, tấm sàn composite; công trình dân dụng: tấm lót, ống lượn sóng; thiết bị đường bộ: rào chắn an toàn, tấm chắn giảm tiếng ồn; phòng chống thảm họa: kè bằng thép, rào chống sóng thần; hàng rào và công trình ngầm: tấm vách hầm

Tổng quan về giải pháp xây dựng nền móng công trình tại Việt Nam - TS. Lê Thiết Trung Viện trưởng, Viện Địa Kỹ thuật Nền móng công trình Trường ĐHXD: Móng nông; các giải pháp xử lý nền; móng cọc và các loại móng khác.

Phát biểu bế mạc tại hội thảo, ông TS. Akira Kazama, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thép của tập đoàn JFE cho biết “tập đoàn JFE đã may mắn có cơ hội giới thiệu những kỹ thuật hiện đại nhất về kết cấu trong xây dựng, thép tính năng cao trong xây dựng cầu đường cũng như kỹ thuật ứng dụng thép trong nền móng công trình và các sản phẩm thép trong xây dựng. Việt Nam rất có tiềm năng trong tương lai và JFE hy vọng được đồng hành cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và trường ĐHXD trong quá trình phổ biến kết cấu thép để gắn bó lâu dài tại Việt Nam”.

Do những nội dung khá hấp dẫn của hội thảo nên đã tạo ra sự tương tác, trao đổi giữa những diễn giả và người tham dự tạo nên một bầu không khí sôi nổi, hào hứng cho hội thảo. Rất nhiều câu hỏi thú vị và giải đáp đầy đủ giữa các thành viên tham gia, tạo tiền đề cho những nghiên cứu và đề xuất giúp ích cho việc ứng dụng công nghệ mới cho kết cấu thép tại Việt Nam nói riêng và cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng tại Việt Nam nói chung.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)