Dấu ấn 50 năm ngành xây lắp thủy điện Việt Nam

Chủ nhật, 08/01/2012 08:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 7/1, Tập đoàn Sông Đà – cái nôi truyền thống, hào hùng của những người thợ xây lắp thủy điện Việt Nam đã tổ chức 50 năm thành lập và phát triển, đón nhận những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương thành tích xuất sắc của cán bộ, công nhân các thế hệ của Tập đoàn Sông Đà- Ảnh: Chinhphu.vn

Những năm 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, ngày 1/6/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 214/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà, sau được đổi thành Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà – đây chính là tổ chức tiền thân của Tập đoàn Sông Đà hiện nay và cũng trở thành dấu mốc lịch sử khai sinh ra ngành xây dựng thủy điện Việt Nam.

Sau 8 năm xây dựng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có thời điểm gồng mình dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, được sự giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô, tổ máy đầu tiên đã khởi động vào đúng dịp lễ Quốc khánh, ngày 2/9/1971 và chỉ một năm sau đó, tổ máy số ba cũng đã hoàn thành. Núi rừng Tây Bắc bừng sáng nguồn điện phục vụ phát triển đất nước.

Năm 1975 khi đất nước thống nhất, Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh quang. Đó là chinh phục Sông Đà, xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời kỳ đó với công suất 1.920 MW với 8 tổ máy. Chính trong thời gian này, tên của dòng sông Đà đã trở thành tên gọi mới của công ty- Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà và năm 1979 được nâng lên thành Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà.

Kể từ ngày 6/11/1979, công trình thế kỷ thủy điện Hòa Bình đã chính thức được khởi công đến thời điểm ngày 4/4/1994 tổ máy số 8 - tổ máy cuối cùng đi vào vận hành - thời điểm kết thúc xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Hàng vạn cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là những kỹ sư, những người thợ trẻ trên khắp mọi miền của đất nước về đây, đã không quản ngày đêm, gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy để làm việc với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc", vượt qua bao khó khăn để biến giấc mơ từ ngàn đời của cha ông ta thành hiện thực: “Chinh phục dòng sông Đà”.

Sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Yaly năm 2001, công trường “thuần Việt” về thi công, lực lượng xây dựng thủy điện của Tổng công ty đã phát triển mạng mẽ cả về số lượng và chất lượng, với 18 đơn vị chuyên ngành cùng với lực lượng lao động bình quân trên 20.000 người, đội ngũ cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm và lực lượng xe máy thi công hùng hậu, hiện đại.

Tổng công ty tiếp tục được Đảng, Chính phủ giao cho làm tổng thầu EPC các công trình thủy điện: Sê San 3, Tuyên Quang và tổng thầu xây lắp hầu hết dự án thủy điện lớn như Huội Quảng, Bản Vẽ, Sê San Plêikrông, Sơn La, Lai Châu... Đặc biệt, tại công trình thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu tiến độ công trình để phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2010, sớm hơn 2 năm so với tiến độ do Quốc hội phê duyệt.

Ngoài thi công xây lắp các công trình thủy điện, Tổng công ty ghi dấu ấn ở những công trình công nghiệp: Xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Nhà máy đường Sơn La, Hòa Bình, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, các công trình dân sinh, khu đô thị mới…

Trong bối cảnh, nhu cầu phát triển mới, ngày 12/1/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty: LILAMA, DIC, LICOGI, COMA, Sông Hồng và Quyết định số 53 /QĐ-TTg thành lập công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà. Đây được coi là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Tổng công ty Sông Đà cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, trao Danh hiệu Anh hùng lao động, các Huân chương cao quý cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Tập đoàn Sông Đà, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các thành tích xuất sắc của cán bộ, công nhân các thế hệ của Tập đoàn, của lực lượng xây dựng thủy điện nòng cốt của Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tập đoàn Sông Đà- Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những dấu ấn đặc biệt của những người thợ Sông Đà trên các công trình thế kỷ, những dự án biểu tượng của một Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tới hình ảnh của một nhà thầu thi công, một chủ đầu tư phát triển mạnh, đa ngành nghề ở các lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, năng lượng.

Trong giai đoạn mới, lãnh đạo Chính phủ mong muốn Tập đoàn tiếp tục truyền thống anh hùng, triển khai xây dựng và thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020 có hướng tới năm 2030 và chiến lược kinh doanh của các Tổng công ty, công ty con thuộc Tập đoàn; thực hiện tái cơ cấu lại mô hình tạo nên sức mạnh tổng hợp, có quy mô và tiềm lực ngang tầm đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, góp phần ổn định, phát triển nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng lưu ý Tập đoàn tập trung nhiệm vụ xây dựng mô hình doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý hiện đại, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chế tạo công nghệ, thiết bị cơ khí để luôn đảm nhận được các công trình quy mô lớn, phức tạp phục vụ phát triển đất nước.

Nhiều tập thể, cán bộ của Tập đoàn Sông Đà được vinh danh- Ảnh: Chinhphu.vn

* Với các thành tích đạt được, trong 50 năm qua, Tập đoàn Sông Đà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, Huân huy chương cao quý. Kỷ niệm 50 năm thành lập, các tập thể, cá nhân của Tập đoàn đã được vinh dự đón nhận 1 Danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều Bằng khen./.

Theo : www.chinhphu.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)