Công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La trước ngày "về đích"

Chủ nhật, 01/01/2012 07:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chúng tôi có mặt trên công trình thủy điện Sơn La, chứng kiến sự kiện phát điện tổ máy số 4, thời điểm chỉ còn một năm nữa cho việc hoàn thành xây dựng nhà máy. Bên cạnh những con số ấn tượng: Công suất sáu tổ máy 2.400 MW, sản lượng điện 10,2 tỷ kW giờ điện/ năm, thì đây còn là kỳ tích về tinh thần lao động sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường.

Lắp đặt rô-to tổ máy 4 Nhà máy thủy điện Sơn La.

Gần mười năm trước, dưới hẻm núi bản Pá Vinh, thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - nơi con sông Ðà chảy qua, chỉ có vài ba chục nóc nhà của đồng bào Thái nay đã hiện rõ hình hài một nhà máy thủy điện đồ sộ.

Từ trên cao nhìn xuống, thân đập nhà máy như một trái núi chắn ngang dòng sông, tạo nên một hồ nước mênh mông, sức chứa hơn 9 tỷ m3. Ðập được xây dựng bằng bê-tông đầm lăn (RCC) là công nghệ hiện đại lần đầu áp dụng tại Việt Nam, với chiều dài 947m, chiều rộng chân đập 290m, chiều cao lên tới 138,1m. Ðứng trên thân đập nhìn xuống hạ lưu dòng sông như hun hút, phần thượng lưu nước hồ trong xanh, đến nay đã đạt cao trình thiết kế 215m.

Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La Hoàng Trọng Nam dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy. Vừa đi, vừa nói chuyện, anh điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong việc chinh phục dòng Ðà Giang: Ngày 2-12-2005, thủy điện Sơn La chính thức khởi công và ngăn sông đợt 1; Ngày 23-12-2008, ngăn sông đợt 2; Ngày 15-5-2010, ngăn sông đợt 3, thực hiện tích nước hồ chứa; Ngày 20-8-2010, lắp đặt thành công rô-to máy phát số 1. Và trước khi năm 2011 khép lại, tổ máy thứ tư đã phát điện, cả bốn tổ máy đạt công suất 1.600 MW, tương đương với công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Mới đây, tại Hội nghị giao ban tổng kết năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước thủy điện Sơn La - Lai Châu, nhấn mạnh yêu cầu tiến độ xây dựng nhà máy cụ thể: Tháng 4-2012 phát điện tổ máy 5, tháng 8-2012 phát điện tổ máy 6 và hoàn thành toàn bộ công trình thủy điện Sơn La vào cuối năm 2012.

Hiện nay, phần xây lắp công trình đã cơ bản hoàn thành. Trên công trường chỉ còn hơn một nghìn công nhân, chủ yếu là công nhân của Công ty cổ phần Lilama 10 tập trung cho việc lắp máy tổ máy 5 và 6. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 10 Nguyễn Thế Chinh cho biết: Nếu tính từ tổ máy 1 lắp đặt thành công, phát điện vào 12 giờ 45 phút ngày 17-12-2010, thì cứ sau bốn tháng lại lắp đặt xong một tổ máy mới, đưa vào vận hành phát điện. Ðánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, cả bốn tổ máy từ khi đưa vào hoạt động đều bảo đảm chỉ tiêu an toàn kỹ thuật. Các thông số về độ rung, độ đảo của rô-to và tổ hợp các tổ máy đều dưới mức cho phép. Cho đến thời điểm này, thiết bị của hai tổ máy 5, 6 cũng đã tập kết trong gian máy, dịp Tết Nhâm Thìn này cán bộ, công nhân lắp máy vẫn làm việc, phấn đấu tổ máy 5 và 6 lắp đặt, phát điện đúng tiến độ.

Việc xây dựng thủy điện Sơn La về đích sớm trước hai năm so với kế hoạch ban đầu, mỗi năm làm lợi cho đất nước 500 triệu USD. Ðiều đó còn cho thấy khả năng về trình độ tay nghề, bản lĩnh, trí tuệ của công nhân xây dựng Việt Nam. Nếu thủy điện Hòa Bình, chúng ta phải tiến hành xây dựng trong 15 năm, với lực lượng 20 nghìn người, trong đó gần 2.000 kỹ sư Liên Xô và nước ngoài, thì xây dựng thủy điện Sơn La công suất lớn gấp rưỡi, thời gian rút ngắn chỉ còn một nửa, nhân lực lúc cao nhất cũng chưa đến mười nghìn người. Ðặc biệt, đây là nhà máy thủy điện hoàn toàn do người Việt Nam tự thiết kế, xây dựng, đảm đương tất cả các phần việc chính. Chúng ta chỉ mua máy móc thiết bị, thuê tư vấn nước ngoài ở một số lĩnh vực. Vì vậy, có thể nói xây dựng thủy điện Sơn La, chính là thước đo lòng quả cảm, tinh thần lao động sáng tạo phi thường của người thợ xây dựng Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Quỹ thời gian xây dựng nhà máy chỉ còn một năm nữa. Ðây là lúc cán bộ, công nhân của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Sông Ðà đang tập trung cao độ, với một khối lượng công việc không hề đơn giản. Cùng với việc vệ sinh công nghiệp, hoàn thiện việc phun gia cố chống thấm thân đập và tiến hành lắp đặt hai tổ máy 5 và 6 còn lại, các nhà thầu sẽ phải thực hiện một loạt các công việc phụ trợ khác. Ðó là hoàn thành hệ thống đường giao thông khoảng 12 km chạy chung quanh công trình, xây lắp hệ thống chiếu sáng thân đập và cảnh quan nhà máy. Theo thiết kế, vị trí trạm trộn bê-tông RCC hiện nay đang tháo dỡ dành để xây dựng công viên vườn hoa, tượng đài biểu trưng của nhà máy. Phần đất ba ha nằm ở vị trí chân đập, giữa nhà máy với cửa xả bờ phải dành xây dựng khu cây xanh. Các đơn vị nhà thầu, các tập thể, cá nhân có thành tích xây dựng công trình thủy điện Sơn La sẽ được trồng cây lưu danh. Ðây là việc làm rất có ý nghĩa, ghi nhận công lao đóng góp của những người thợ trên công trường thủy điện lớn này.

Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành, không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất cung cấp điện năng, mà còn là một công trình văn hóa, điểm tham quan du lịch nổi bật của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Cùng với du lịch lòng hồ thủy điện, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, Nhà máy thủy điện Sơn La sẽ là điểm đến thú vị của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trước thềm Xuân Nhâm Thìn đang đến gần, chúng ta lại được đón thêm một tin vui: Dòng điện sáng từ tổ máy 4 Nhà máy thủy điện Sơn La đã phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Công trình thủy điện Sơn La sẽ là điểm nhấn của năm 2012, góp phần đưa đất nước tiến lên vững chắc.

Theo Báo Nhân Dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)