Xây dựng Thành phố xanh, sạch, đẹp
Thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, toàn Thành phố đã trồng được 1 triệu cây xanh, hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm 2 năm. Hiện Hà Nội đang tiếp tục trồng 600 nghìn cây trong năm 2019 và 2020 theo tầng bậc tại một số vị trí: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Quốc lộ 5, Văn Tiến Dũng, tuyến Đại lộ Thăng Long và tại các nút giao, đảo giao thông đầu cầu Vĩnh Tuy, Phú Thượng, Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, Phúc Đồng…
Thủ đô cũng đang triển khai trồng cây keo tạo không gian xanh, giúp cải thiện môi trường trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ.
Về hệ thống chiếu sáng đô thị, Thành phố đã triển khai ứng dụng bản đồ số GIS và điều khiển từ Trung tâm để nâng cao chất lượng công tác vận hành, giám sát của hệ thống chiếu sáng Thành phố, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng tối thiếu từ 95-98%. Đã thực hiện thay thế hơn 200 bộ đèn hiện có bằng các bộ đèn mới công nghệ LED trên các tuyến phố khu vực trung tâm (phố Lê Lai, Hàng Bài-phố Huế...). Hoàn thành cải tạo, thay thế hệ thống chiếu sáng mỹ thuật công nghệ LED của hãng Phillip trên cầu Nhật Tân bằng nguồn vốn xã hội hóa; hệ thống chiếu sáng trên đường Thanh Niên bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đối với việc thu gom và xử lý chất thải rắn, Hà Nội đã lắp đặt khoảng 6.300 thùng rác trên các tuyến đường, tuyến phố các quận nội thành, tiếp tục khảo sát lắp đặt đủ cơ số để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoàn thành đưa vào quản lý, vận hành trên 100 nhà vệ sinh công cộng bằng vốn xã hội hóa của Công ty Vinasing.
Thành phố đang tiếp tục đôn đốc Công ty Vinasing khẩn trương thi công lắp đặt 500 nhà vệ sinh công cộng theo cam kết bằng vốn xã hội hóa. Đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành để thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn với mục tiêu cuối cùng là sạch tất cả các tuyến, địa bàn; các đơn vị, nhà thầu vi phạm quá 03 lần đề xuất chấm dứt hợp đồng.
Đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Sóc Sơn; 2 nhà máy đốt rác phát điện với tổng công suất 1.500 tấn/ngày tại Xuân Sơn. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 2 nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày tại Đồng Ké (Chương Mỹ); đề xuất thay thế và tổ chức đầu thầu chọn nhà đầu tư tại nhà máy 800 tấn/ngày đốt rác phát điện tại Châu Can (Phú Xuyên); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các Nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của Thành phố để đưa vào vận hành trước năm 2020.
Thành phố đã triển khai 4 bãi xử lý chất thải rắn xây dựng bằng phương pháp chôn lấp, trong đó 02 bãi đã đầy và dừng tiếp nhận từ 1/1/2018 là bãi Vân Nội, Đông Anh và bãi Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì. Đồng thời, đã triển khai các địa điểm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền tại các cửa ngõ Thành phố. Trong đó địa điểm tại Hoàng Mai và Thanh Trì đã đi vào hoạt động từ 30/11/2017, bắt đầu tiếp nhận chất thải rắn xây dựng để xử lý, tái chế bằng công nghệ nghiền công suất khoảng 1.000 tấn/ngày.đ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ một số dự án xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng.
Về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, Thủ đô đã hoàn thành dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án 2; đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, công suất khoảng 20.000 m3/ngày đêm. Đã xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 223 hồ và tiếp tục thực hiện cải tạo hạ tầng và cải thiện môi trường nước các hồ khác trên địa bàn, lắp đặt máy sục khí trên 19 hồ để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng nước trên các hồ. Nạo vét bùn đáy để cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm và hồ Đền Lừ.
Bảo đảm kết cấu hạ tầng đồng bộ
Thời gian qua, diện tích đất dành cho giao thông được Thành phố chú trọng đầu tư, đến nay đạt khoảng 9,45% (năm 2015 đạt 8,65%). Hà Nội đã hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách, 12 cầu yếu. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội). Tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị dự án và thu xếp nguồn vốn cho các tuyến đường sắt: tuyến số 2 (Nội Bài - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình); tuyến số 1 (đoạn từ Ngọc Hồi - Ga Hà Nội); tuyến số 6 (Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi).
Cho đến nay, Thành phố đã mở thêm 26 tuyến nâng tổng số lượng buýt nội đô lên 118 tuyến (96 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 1 tuyến City tour), đầu tư thay thế và đổi mới 239 xe buýt; đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã; trong đó, nhân dân tại 4 huyện Ba Vì, ứng Hòa, Mỹ Đức và Thanh Oai được hưởng chính sách trợ giá của Thành phố; đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Tính đến hết năm 2018, tổng số phương tiện toàn mạng là 1.820 xe (các xe đều trang bị thiết bị giám sát hành trình GPS, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật...).
Ngoài ra, Thành phố còn nghiên cứu thí điểm tổ chức giao thông tạm thời tại 3/33 điểm ùn tắc giao thông chuyển tiếp từ năm 2018, Tổ chức xử lý đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông tại 21 điểm đen. Tai nạn giao thông hàng năm đều giảm ở cả số vụ tai nạn và số người bị chết, bị thương.
Về thiết kế đô thị và cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường, hiện Thành phố đã lập một số đồ án (trong đó đã phê duyệt thiết kế đô thị tuyến đường Xuân Thủy); Phê duyệt 10 nhiệm vụ thiết kế đô thị. Phê duyệt quy định quản lý quy hoạch kiến trúc cải tạo chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân.
Đối với việc quy hoạch chung cư cũ, hiện 20 khu chung cư cũ đang được triển khai lập thiết kế ý tưởng quy hoạch, làm cơ sở để triển khai thủ tục tiếp theo. Đến nay 15 khu đã báo cáo ý tưởng với UBND Thành phố, 5 khu còn lại đang nghiên cứu lập phương án. Về quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội tập trung: Thành phố đang chỉ đạo thực hiện 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 272,45 ha. Đã phê duyệt quy hoạch 1 khu, 2 khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, 2 khu còn lại đang được lập nhiệm vụ quy hoạch.
Về phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thì tổng số cụm quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.204,31 ha. Đã tổ chức kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 (ngày 17/6/2018) với tổng số 69 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.016,62 ha; tổng vốn đầu tư là 19.659,7 tỷ đồng.
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp từng bước được hoàn thiện hơn đáp ứng nhu cầu đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thứ phát, hiện số vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp tăng gần 40%; doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trên 10% năm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Về phát triển hạ tầng thương mại, Thành phố hiện có 140 siêu thị (tăng 53 siêu thị so với năm 2012); 24 trung tâm thương mại (tăng 04 TTTM so với năm 2012); 1.400 cửa hàng tiện lợi, 454 chợ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển thương mại của Thành phố.
Không chỉ bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn, Thủ đô Hà Nội còn chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch. Tính cho đến thời điểm hiện tại, số cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng đang hoạt động trên địa bàn có tổng số 559 cơ sở với 22,4 nghìn buồng, phòng. Trong đó đã xếp hạng 1-5 sao cho 552 khách sạn và 7 căn hộ du lịch.
Song song với việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, Thành phố cũng chú trọng đến việc xây dựng các công trình thể thao. Hiện Thành phố có 7 cụm công trình công trình thể thao. Tại các quận huyện thị xã, về cơ bản đã bảo đảm có đủ 3 công trình thể dục thể thao thiết yếu là sân vận động, nhà luyện tập hoặc nhà thi đấu. Tuy nhiên, còn nhiều quận huyện chưa có bể bơi, đặc biệt là bể bơi trong nhà. Hệ thống các sân bãi thể thao như: Sân tập tennis, sân gôn, sân cầu lông, sân bóng đá... đang phát triển nhiều, trong đó nguồn vốn xã hội hóa là chủ yếu.
Theo Chinhphu.vn