Nhiều lợi ích từ việc sử dụng gạch xuyên nước
Theo TS Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: Những năm gần đây, quá trình bê tông hóa đô thị diễn ra nhanh chóng gây nhiều tác hại tới môi trường tự nhiên và xã hội như: Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ngập úng, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm, sụt lún nền đất đô thị, tiêu diệt sinh vật tự nhiên trong lòng đất, mất cân bằng hệ sinh thái… Vì vậy, Việt Nam cần có những loại vật liệu mới, vật liệu xanh thân thiện với môi trường nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.
Tại nhiều quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã áp dụng sản phẩm gạch lát xuyên nước dùng làm đường giao thông, bãi đỗ xe, vỉa hè, sân công cộng và các công trình ngoài trời khác. Đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa hiện nay khi cho phép nước mưa xuyên qua, thẩm thấu xuống lòng đất tự nhiên giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tình trạng ngập úng, đồng thời duy trì nguồn nước ngầm, bảo vệ sự sống của sinh vật trong lòng đất.
Theo ông Trần Duy Phúc, Giám đốc nhà máy cơ khí thuộc Công ty Cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc: GXN sử dụng lòng đất làm nơi chứa nước thay vì nước mưa chảy luôn ra sông rồi đổ ra biển như trước kia. Tốc độ thẩm thấu nước vào lòng đất tùy thuộc vào tính chất đất của từng khu vực. Nhờ đó, lượng nước mưa được giữ lại trong lòng đất, bổ sung nước cho nguồn nước ngầm, giúp đất có độ ẩm để phát triển cây trồng, tạo ra môi trường sống thuận lợi cho các sinh vật sống dưới lòng đất, bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái, đồng thời giảm áp lực cho các hồ chứa nước, sông ngòi, kênh rạch vào mùa mưa, phòng ngừa lũ lụt. “Việc sử dụng GXN còn giúp điều hòa và bổ sung độ ẩm cần thiết cho môi trường. Khi trời nắng, lượng nước đã thẩm thấu trong lòng đất sẽ bốc hơi xuyên qua viên gạch giúp điều hòa không khí và hạn chế sự hấp hơi nóng ở bề mặt viên gạch, giảm hiệu ứng bê tông hóa đô thị. Với khả năng chịu lực cao lên đến 50 MPa (trên 500kg/cm2), GXN có đủ khả năng và tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình công cộng của nước ta hiện nay”, ông Phúc chia sẻ.
Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng do giá thành còn cao hơn gạch thông thường khoảng 30%, cùng với sự hoài nghi của các nhà thầu, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị công cộng chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm nên GXN dù đã ra mắt thị trường hơn một năm nay nhưng chưa công trình nào sử dụng.
Sớm có giải pháp phát triển
Mặc dù lợi ích của việc sản xuất và sử dụng GXN là rất tích cực, tuy nhiên, để sản phẩm này được sử dụng rộng rãi vẫn gặp không ít khó khăn. Do chịu tác động của biến đổi khí hậu nên nhiều thành phố và đô thị lớn của Việt Nam thường xảy ra tình trạng ngập úng. Thế nhưng, hầu hết hệ thống thoát nước của các thành phố và đô thị lớn của nước ta đều sử dụng vật liệu truyền thống như bê tông cho cống thoát nước, gạch block cho vỉa hè, bãi đỗ xe, là những loại vật liệu không giải quyết được vấn đề ngập úng trong mùa mưa do cấu trúc đặc chắc nên nước khó thấm qua được.
Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, TS Nguyễn Quang Cung đề xuất: Nhà nước nên hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích nhà sản xuất và hỗ trợ nhà thầu, chủ đầu tư các công trình, dự án sử dụng GXN. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, quảng bá về chất lượng, lợi ích của GXN tới cộng đồng. Ngoài ra, nhà sản xuất cần đầu tư công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng cũng như thời gian sử dụng của sản phẩm, đồng thời công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư có cơ sở đưa vào sử dụng sản phẩm cho các công trình xây dựng.
Theo Quân đội nhân dân