Thành phố Hồ Chí Minh: Kiên quyết xử lý trường hợp xây nhà không phép, sai phép

Thứ sáu, 02/08/2019 11:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
TP. Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt, làm phát sinh tình trạng mua, bán và xây dựng trên đất nông nghiệp, phân lô trái phép, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉnh trang và phát triển đô thị.

Hàng loạt những ngôi nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiểu Thủy)

Bình quân mỗi ngày có 8,5 vụ xây nhà không phép, sai phép

Ngày 1/8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Lê Trần Kiên thông tin, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, có gần 126.400 giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp trên toàn Thành phố. Trong đó, GPXD nhà ở riêng lẻ chiếm 89% .

Cũng trong thời gian này, trên địa bàn Thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD; hơn 2.570 trường hợp xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép.

Cụ thể, năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày, năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ sai phạm/ngày. 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ sai phạm/ngày. Mức độ vi phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân rất cao và tốc độ xây dựng đang ở mức nóng.

Các trường hợp vi phạm tập trung nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, quận 12, quận Bình Tân, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.

Mỗi năm Thành phố có khoảng 200.000 người nhập cư dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt, làm phát sinh tình trạng mua, bán và xây dựng trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép ở địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành.

Ngoài ra, do nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư cao trong khi Thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch, chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cộng thêm sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, chưa làm hết trách nhiệm. Từ đó, hình thành các khu dân cư, khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép

Tiến tới để chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu UBND Thành phố tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn Thành phố” để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý từ năm 2016 đến 2019. Làm rõ các nguyên nhân, cơ chế của việc tồn tại dai dẳng việc xây dựng không phép, trái phép, đồng thời đề xuất, xác định các giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống chính trị ba cấp ở Thành phố để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6/2020).

Đầu tháng 8/2019S,  các cấp ủy quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức hội nghị và có nghị quyết chuyên đề vào. Các đảng viên phải cam kết không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Trước tháng 6/2020, Bí thư, Chủ tịch quận, huyện, các phường, xã, thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng, nếu không cam kết thì cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này. Phường, xã, thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ban thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu nghị quyết của các quận ủy, huyện ủy năm 2020 phải xác định được các giải pháp trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu nhà ở của 1 triệu người dân nhập cư tăng thêm mỗi năm năm, giai đoạn 2020 - 2030. Cùng đó, cần làm rõ các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 - 2021. Đồng thời, tổng kết mô hình các nhà trọ cho công nhân, xây dựng các chuẩn nhà trọ đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, về điện, nước, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, có hạ tầng giao thông và hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở có quy mô nhỏ, phân tán để các hộ dân có thể đăng ký chuyển đổi, xây dựng nhà trọ có thời hạn 5 - 10 năm phù hợp quy hoạch. Sau một thời gian ở các nhà trọ đã được chuẩn hóa về thiết kế và quy hoạch, có thu nhập ổn định và có tích lũy thu nhập, các hộ dân có thể mua căn hộ với điều kiện sống cao hơn.

Tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn Thành phố theo hướng không cào bằng mà bố trí lực lượng đông hơn, mạnh hơn ở các địa bàn có nguy cơ xảy ra xây dựng không phép, trái phép cao.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23 chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là một hành động thể hiện quyết tâm lớn của Thành phố để giải quyết vấn nạn này. UBND Thành phố sẽ sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị số 23 và cam kết sẽ phân cấp, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, sẽ kiên quyết xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng và những cán bộ quản lý có biểu hiện bao che, lơ là, thiếu trách nhiệm./.


Theo Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)