Dự án EcoHome 3 - dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Capital House vừa được trao chứng nhận EDGE (Thụy Sĩ) dành cho công trình xanh. Từ kinh nghiệm thực tế triển khai dự án EcoHome 3 - “điểm sáng” trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt được chứng chỉ xanh EDGE, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House cho rằng, những lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở xã hội đã rất rõ ràng.
Cụ thể, đối với khách hàng sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn, cải thiện sức khỏe; chi phí điện nước giảm; căn hộ đã mua sẽ giữ giá khi giao dịch; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững. Ngay tại dự án EcoHome 3 khi đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE đã tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh tại dự án cũng góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đô thị vào môi trường xung quanh.
Về mặt dài hạn, các chuyên gia đều đồng tình rằng, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với công trình bình thường, đồng thời giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho những người thu nhập thấp trong xã hội.
Ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khẳng định, nếu chủ đầu tư định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, thực tế công trình xanh sẽ không đắt song vẫn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc tăng không đáng kể chỉ ở mức 1 - 2%. Khác biệt là ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi thế có sẵn mà thôi.
Đánh giá toàn cảnh thị trường phân khúc nhà ở bình dân, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, tại Việt Nam nhu cầu về nhà ở bình dân ngày càng cấp thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình còn rất lớn… Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số gần 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị, thành phố.
Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước sẽ có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ nhà ở bình dân.
Triển vọng thị trường nhà ở bình dân là rất tiềm năng. Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị phát triển nhà ở tham gia vào phân khúc này. Đảng và Chính phủ cũng nhận thấy rằng việc chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực, không chỉ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo thành thị. Đảm bảo cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, hiệu quả bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các phân khúc và đối tượng khác, mà quan trọng hơn cả để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững.
Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến xây dựng nhà ở bình dân, một số rào cản được gỡ bỏ. Ngoài ra, nhiều địa phương có nhiều chính sách khuyến khích việc phát triển nhà giá rẻ. Một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá rẻ... là những tín hiệu vui cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp.
Song trên thực tế, nếu chủ đầu tư ứng dụng các tiêu chí xanh vào các dự án nhà ở bình dân sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng, dẫn đến đẩy giá bán nhà tăng, trong khi giá bán phải theo mức giá trần, khống chế ở mức không vượt quá 10%, con số này quá thấp so với việc đầu tư vào các dự án thương mại, dẫn đến lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này.
Nhà ở bình dân là phân khúc giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng. Trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. “Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia bất động sản kiến nghị, để thúc đẩy thêm nhiều tiêu chí xanh vào phân khúc nhà ở bình dân, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ Chính phủ cả về tài chính lẫn cơ chế chính sách, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như người mua nhà.
Ông Jonas Grunder, Phó Trưởng bộ phận Hợp tác phát triển Thụy Sĩ thuộc Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ khẳng định, đơn vị này đang tài trợ cho chương trình công trình xanh EDGE tại Việt Nam nhằm mang đến nhiều giải pháp thực tiễn giúp hóa giải những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện như: biến đổi khí hậu - nước biển dâng, dân số ngày một tăng – đô thị hóa nhanh. “Chúng tôi hy vọng kết quả này có thể đóng góp đáng kể vào mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra về việc xanh hóa nền kinh tế cũng như ngành xây dựng”, ông Jonas Grunder kết luận.
Theo Thời báo ngân hàng