Như đánh giá của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, bên cạnh tốc độ phát triển kinh tế, đô thị cao, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những tác động do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố khối lượng rác sinh hoạt phát sinh từ 5.500 đến 6.000 tấn. Trong khi đó, các dòng sông trên địa bàn đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau.
Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh những nỗ lực nội tại, Hà Nội đã có những hướng tiếp cận mới để cải thiện môi trường nhanh hơn, bền vững hơn. Chính vì vậy, trong các hoạt động, sự kiện đối ngoại lớn, nhỏ, bên cạnh ưu tiên cho việc hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ, đặt vấn đề với nhiều nước phát triển, các tập đoàn lớn có công nghệ tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc cây xanh; xử lý nước thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm ao hồ; xử lý rác thải sinh hoạt.
Chẳng hạn như ngay khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản, Hà Nội cũng song hành thử nghiệm bằng công nghệ châu Âu để tìm ra phương án tối ưu, đưa vào triển khai rộng. Bước đầu, những công nghệ hiện đại đã giúp sông Tô Lịch bớt hẳn mùi hôi ở khu vực triển khai thử nghiệm.
Ông Nguyễn Đức Khánh, chuyên gia về môi trường của Công ty TNHH KNĐ Việt Nam đánh giá: Với các công nghệ tiên tiến như thế nếu kết hợp với việc thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông và triển khai một nhà máy xử lý nước thải, chắc chắn sông Tô Lịch sẽ “sống lại”. Bà Hoàng Thu Hằng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, đang rất kỳ vọng vào các công nghệ tiên tiến này, để tương lai gần có thể cải tạo chất lượng sống cho cư dân quanh các hồ, dòng sông trên địa bàn thành phố.
Cũng để bảo đảm môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, sau khi hoàn thành trước thời hạn Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, Hà Nội tiếp tục triển khai trồng thêm 600.000 cây xanh từ nay đến năm 2020. Việc tăng cường trồng mới cây xanh, kết hợp với cắt tỉa, chăm sóc đúng quy cách góp phần tạo cảnh quan, giảm bụi, hạn chế tình trạng gây mất an toàn cho người dân trong mùa mưa bão… Ngoài ra, các dự án về thu gom, xử lý rác thải nhựa, rác thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đang được thành phố tích cực triển khai.
Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, từ đầu năm đến nay dù có ghi nhận xuất hiện bệnh sởi, sốt xuất huyết, ho gà, tay chân miệng nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Tuy vậy, theo đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, hiện nay nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực nên các cấp, ngành không được chủ quan. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân như mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, mở rộng tầm soát ung thư sớm...
Bước vào nửa cuối năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh các nhiệm vụ gắn liền với nhu cầu dân sinh, như: Tăng cường bảo vệ môi trường, đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch, bảo đảm cấp - thoát nước, cải tạo các hồ, đôn đốc các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn...
Trong tương lai, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là phải chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2045. Đó cũng chính là để thực hiện cam kết của Hà Nội hướng tới một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Theo Hà Nội mới