Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, chương trình giảm ngập nước của TP trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của TP. Việc triển khai chương trình đã hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân TP; đảm bảo lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông. Tính đến thời điểm hiện nay, các tuyến đường mà trước đây được xem là “rốn ngập” của TP như: Khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng,… đã không còn xuất hiện tình trạng ngâp nước.
Cụ thể, năm 2008 trên địa bàn TP tồn tại 126 điểm ngập do mưa, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vi; đến cuối năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập và đến cuối năm 2018 còn 18 tuyến đường trục chính bị ngập (giảm 85,71%). Năm 2008, trên địa bàn TP tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều; đến cuối năm 2018, TP còn 5 tuyến đường trục chính bị ngập do triều (giảm 94,73%).
Tại buổi giám sát, dù đánh giá cao công tác triển khai các giải pháp chống ngập của TP mang lại hiệu quả bước đầu, song một số đại biểu HĐND TP cho rằng, hiện nay tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn TP còn quá chậm, nguyên nhân do vướng công tác giải phóng mặt bằng; tính hiệu quả của các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chưa cao do thiếu sự kết nối đồng bộ; việc xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước, hành lang bảo vệ kênh, rạch chưa quyết liệt;… Các đại biểu đề nghị UBND TP cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết những vấn đề nêu trên.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu
Tập trung nghiên cứu các quy hoạch một cách đồng bộ
Giải trình những vấn đề đại biểu HĐND TP đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dẫn đến tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Trong đó, ngập nước là một trong những nội dung mà TP đặc biệt quan tâm. Trong nhiều năm qua, TP đã tập trung chỉ đạo giải quyết và có nhiều giải pháp triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian qua có những yếu tố tác động như: tần suất và vũ lượng mưa trên địa bàn TP ngày càng tăng; triều cường dâng cao; tình trạng sạt lở và lún nền đất nghiêm trọng; dân số tăng;… Trong khi đó, hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp và mở rộng, hoặc việc đầu tư nâng cấp có làm nhưng không đồng bộ nên tác động đến quá trình thực hiện chương trình giảm ngập của TP.
Trong hơn 2 năm qua, TP đã thực hiện rất nhiều giải pháp, nhiều công trình, nhiều chương trình để triển khai các dự án chống ngập cụ thể, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực các dự án. Nhìn chung, TP không còn ngập theo dạng như của 5-7 năm trước đây, có những điểm thật sự không còn ngập như Quận 6, có những điểm giảm ngập. Nhưng có những điểm không còn ngập đường nhưng nhà dân ngập và đây là điều mà TP cần quan tâm giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, sắp tới, TP tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà chương trình giảm ngập nước đặt ra cũng như Nghị quyết của Hội nghị Thành ủy giữa nhiệm kỳ đề ra. Trong đó, tập trung đẩy nhanh nghiên cứu các quy hoạch một cách đồng bộ; bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng và thực hiện các công trình, trong đó xác định tính ưu tiên trong bố trí ngân sách TP và kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn khác.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ kiến nghị Trung ương điều chỉnh khung giá đất cả nước và trên cơ sở đó TP sẽ ban hành bảng giá mới trình HĐND TP. Đồng thời, điều chỉnh phương pháp để thực hiện quy trình ban hành giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, sắp tới TP hoàn chỉnh lại quy chế quản lý mép bờ cao, làm rõ trách nhiệm quản lý của các nhà đầu tư và trách nhiệm người dân; tổng rà soát kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP về xử lý các hành vi lấn chiếm hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước thời gian qua và có kế hoạch xử lý cụ thể ở những vị trí cụ thể. TP sẽ khảo sát hiện trạng, chức năng của từng tuyến kênh, rạch để có phương án xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, TP cũng hoàn thiện tổ chức bộ máy chống ngập; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chống ngập;…
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi giám sát
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ ghi nhận nỗ lực rất lớn và kết quả đạt được của UBND TP, các sở - ngành và các đơn vị liên quan trong điều hành và thực hiện chương trình chống ngâp nước nói chung và các dự án chống ngập trong điều kiện TP còn khó khăn về tài chính, tổ chức bộ máy… thời gian qua.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; đeo bám kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND TP tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các sở - ngành, quận - huyện trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chống ngập; rà soát, phân công nhiệm vụ của các sở - ngành, quận - huyện theo hướng tăng mạnh việc phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện các dự án. Ngoài ra, UBND TP chỉ đạo các quận - huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia chống ngập nước trên địa bàn TP; bố trí quỹ nhà tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng giải tỏa phục vụ dự án…
Theo Hochiminhcity.gov.vn