Hòa Bình: Xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn gắn với phát triển đô thị

Thứ tư, 07/11/2018 10:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều năm qua, công tác thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn gắn với phát triển đô thị được cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Diện mạo chung của tỉnh, nhất là các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Về phát triển giao thông nông thôn, nhiều địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của người dân; nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, dịch chuyển cổng, tường rào để làm đường; phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển, lan rộng (huyện Yên Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc...). Đến nay, 190 xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, tăng 12,6% so với năm 2008.

Về hạ tầng thủy lợi, tổng chiều dài kênh mương thủy lợi do xã quản lý 2.709 km; hiện nay, công tác thủy lợi hàng năm đảm bảo tưới cho trên 90% diện tích lúa và tưới ẩm cho một số diện tích cây mầu, cây ăn quả tập trung. Từ năm 2008 đến nay, đã xây dựng tu bổ, sửa chữa và nâng cấp được 233 công trình thủy lợi; kiên cố hóa được 482 km kênh mương nội đồng. Tiếp tục nâng cấp và mở rộng điện nông thôn, xây dựng, nâng cấp trên 550 km đường điện, 197 trạm biến áp với tổng kinh phí đầu tư chủ yếu là của doanh nghiệp (ngành điện) là 576,64 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 95,2%.

Cơ sở hạ tầng thông tin tiếp tục phát triển thuận lợi đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Mạng lưới hạ tầng viễn thông được phát triển mạnh, rộng khắp. Toàn tỉnh với 217 điểm phụ vụ bưu chính (191 điểm bưu điện văn hóa xã, 26 bưu cục); 191/191 xã có cáp quang đến trung tâm; 191/191 xã có dịch vụ Internet băng thông rộng; tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95%; tỷ lệ máy điện thoại đạt khoảng 80 máy/100 dân; 47/191 xã có hệ thống loa truyền thông đến thôn. Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông.

Các cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng thí nghiệm, các trung tâm, trạm trại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và các cơ sở khuyến nông ở cơ sở, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho nông thôn luôn được quan tâm đầu tư. Mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khả năng giải quyết cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm thực hiện. Đến nay, 191/191 số xã có trạm y tế, xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp 78 trạm y tế xã đạt chuẩn; 67% trạm y tế xã có bác sĩ; 98,4% trạm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động trên 95%. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 98%. Trong giai đoạn 2011-2017, bằng các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, nguồn vốn của tỉnh, của huyện, thành phố, của xã và của nhân dân đóng góp đã sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới được 186 công trình nhà văn hóa xã, khu thể thao trung tâm xã, 562 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm.

Những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển; hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. Môi trường kinh doanh thương mại từng bước được cải thiện, thương nhân được tự do kinh doanh theo pháp luật. Hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, chất lượng được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn nông thôn. Đến nay, có 70 chợ nông thôn trên địa bàn 70 xã đang hoạt động thường xuyên, trong đó 64 chợ nông thôn được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; toàn tỉnh có 171 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2017, xây dựng xóa được 2.990 nhà tạm, nhà dột nát./.


Theo Hoabinh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)