Phân chia cụ thể từng nguồn vốn
Trong tổng số hơn 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, vốn Trung ương có 1320 tỷ đồng gồm vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 712 tỷ đồng và vốn nước ngoài (ODA) 607 tỷ đồng. Nguồn vốn của thành phố khoảng 8820 tỷ đồng bao gồm vốn xây dựng cơ bản tập trung 2459 tỷ đồng; vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất 3550 tỷ đồng; vốn đầu tư từ nguồn phí hạ tầng cảng biển 1700 tỷ đồng; vốn đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết 50 tỷ đồng; vốn vay 1061 tỷ đồng…
Theo phương án của thành phố, nguồn vốn đầu tư công Trung ương được phân bổ theo các quyết định giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Các nguồn vốn của thành phố lần lượt được phân bổ theo thứ tự gồm: chi đầu tư cho các quận, huyện 1898 tỷ đồng; trả các khoản nợ đến hạn hơn 80 tỷ đồng; chi cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 790 tỷ đồng; vốn chuẩn bị đầu tư 30 tỷ đồng; vốn cho công tác quy hoạch 75 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng 80 tỷ đồng…
Như vậy, tổng nguồn vốn cho các nhiệm vụ nêu trên khoảng 3071 tỷ đồng. Số vốn đầu tư công còn lại để bố trí cho các dự án của thành phố là 5749 tỷ đồng. Trong đó cũng phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể: thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh đến ngày 31-12- 2014 và thu hồi các khoản ứng trước; đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư của nhà nước thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011- 2015 sang giai đoạn 2016- 2020; các dự án đã phê duyệt quyết toán… Đối với các dự án khởi công mới phải có đầy đủ thủ tục đầu tư (đã được phê duyệt dự án đầu tư và chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công), nằm trong danh mục dự án được duyệt…
Phương án bố trí và phân bổ vốn đầu tư công như trên bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tránh dàn trải, theo đúng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công. Đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư cho các quận, huyện tiếp tục tăng thêm vài trăm tỷ đồng so với năm 2018, đạt gần 1900 tỷ đồng. Thành phố cũng ưu tiên bố trí cho chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ nhà ở cho người có công; tập trung vốn cho các dự án trọng điểm có khả năng hoàn thành trong năm 2019 như cầu Hoàng Văn Thụ; hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; đường từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục; nút giao thông Nam cầu Bình; cải tạo chỉnh trang sông Tam Bạc; cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh; xây dựng chung cư…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố cũng dành nguồn vốn đáng kể để triển khai một số dự án mới như đường Hồ Sen- cầu Rào 2 (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Văn Linh tới ngã ba chợ Con), dự kiến khởi công tháng 6- 2019; dành nguồn vốn để khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ; xây dựng các khu tái định cư…
Điều hành linh hoạt, hiệu quả
Trong thực hiện đầu tư công năm 2019, thành phố yêu cầu bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước. Theo đó, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương xúc tiến đầu tư các dự án ODA mới như dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn giai đoạn 2; cầu Nguyễn Trãi; Bệnh viện đa khoa Hải Phòng… để sớm hoàn thiện thủ tục và triển khai thực hiện.
Một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công trong thực hiện vốn đầu tư công là phải bảo đảm các khoản thu ngân sách. Trong đó, cần tập trung cao điều hành để thu tiền sử dụng đất vì trong cơ cấu vốn đầu tư công năm 2019, nguồn được bố trí từ tiền sử dụng đất lên tới 3550 tỷ đồng. Cũng như vậy, mặc dù vốn đầu tư công giao cho các quận, huyện gần 1900 tỷ đồng nhưng trong số đó, các địa phương phải bảo đảm thu được tiền đất hơn 713 tỷ đồng mới có đủ nguồn chi. Số thu phí hạ tầng cảng biển cũng phải đạt được dự toán…
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh quyết toán các dự án hoàn thành và tăng cường quản lý, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới; kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án cấp thiết khác; đình hoãn hoặc cho dừng đối với một số dự án không còn cấp thiết và không còn phù hợp với các quy hoạch. Cùng với đó, thành phố chủ động dành nguồn vốn và triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến khởi công mới theo kế hoạch đầu tư công năm 2020 và các năm tiếp theo.
Theo báo Hải Phòng