Theo định hướng từ quy hoạch này, Long Thành sẽ là một đô thị phát triển với nhiều chức năng, trong đó Sân bay quốc tế Long Thành sẽ là trọng tâm, làm động lực phát triển cho toàn huyện.
Đô thị theo chuỗi
Theo Đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành do Viện nghiên cứu thiết kế đô thị Hà Nội tư vấn lập, huyện Long Thành được chia thành 5 vùng phát triển kinh tế, định hướng thành các đô thị thành phần với các chức năng khác nhau có tính chất hỗ trợ, bổ sung.
Theo đó, vùng 1 là thị trấn Long Thành mở rộng, là vùng đô thị cửa ngõ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Long Thành. Mô hình phát triển ở đây theo chuỗi các đô thị dọc QL 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây gồm thị trấn Long Thành hiện hữu, khu đô thị phức hợp phía Tây thị trấn kết hợp chặt với KCN Long Thành và KCN công nghệ cao Long Thành.
Vùng 2 là đô thị Bình Sơn và vùng công nghiệp phía Bắc gắn với hoạt động của Sân bay quốc tế Long Thành. Khu vực này định hướng phát triển thành trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế kết hợp với các KCN tập trung như KCN An Phước, KCN Long Đức. Vùng 3 thuộc đô thị Phước Thái nằm ở phía Nam của huyện gắn với hoạt động của khu vực cảng biển nhóm 5 với các cụm cảng Gò Dầu, Phước An (Nhơn Trạch), Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu). Khu vực này là trung tâm vận chuyển hàng hóa, kho vận cấp vùng. Trục không gian phát triển chủ đạo là QL 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Vùng 5 là đô thị công nghiệp hỗn hợp phía Đông - Nam, trục phát triển theo QL 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Riêng vùng 4 là vùng Sân bay quốc tế Long Thành bao gồm toàn bộ phần diện tích 5.000 ha sẽ được xây dựng sân bay. Đây là khu vực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của huyện trong tương lai. Vùng này có vai trò khai thác tối đa giá trị kinh tế do Sân bay quốc tế Long Thành mang lại thông qua việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế; cung cấp nhiều tiện ích đạt chuẩn quốc tế.
Các vùng phát triển nói trên của huyện kết hợp, bổ sung cho nhau tạo thành chuỗi đô thị Long Thành, gắn liền với sự hoạt động và phát triển của sân bay quốc tế khi hoàn thành.
Lấy sân bay làm trung tâm để quy hoạch đô thị
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc lập quy hoạch vùng huyện Long Thành là rất quan trọng, được Chính phủ giao cho Đồng Nai thực hiện. Trong đó, Sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động là một công trình đặc biệt lớn với lưu lượng lên tới 100 triệu hành khách mỗi năm. Từ hoạt động của sân bay sẽ kéo theo nhiều lợi thế, nhu cầu phát triển của huyện nên việc lập quy hoạch, định hướng phát triển cần xác định sân bay làm trung tâm. “Cần dựa trên lợi thế sân bay để xây dựng quy hoạch phù hợp. Với 1 sân bay công suất 100 triệu hành khách mỗi năm thì khu vực lân cận sẽ có tốc độ phát triển rất nhanh. So với Biên Hòa lợi thế phát triển không còn nhiều thì Long Thành đang có nhiều thuận lợi với hàng loạt dự án hạ tầng sôi động. Do đó, quy hoạch phải xác định được lợi thế phát triển dựa trên nhu cầu và kinh nghiệm thực tế từ các sân bay lớn khác”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đô thị thuộc vùng huyện Long Thành phải lấy các tuyến giao thông trọng yếu làm trục kết nối chính. Từ đó xây dựng mạng lưới hạ tầng kết nối với sân bay và với các khu vực khác như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Bà Rịa, TP. Hồ Chí Minh…Cần nghiên cứu đầu tư thêm các tuyến đường tỉnh, đường huyện để tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi, tránh rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Phong An cho rằng đồ án quy hoạch cần có tính dự báo cao hơn, định hướng cụ thể hơn để huyện có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển địa phương. Bởi trong tương lai, với vai trò của Sân bay quốc tế thì Long Thành sẽ là động lực phát triển không chỉ của tỉnh mà của quốc gia.
Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Lê Mạnh Dũng lưu ý việc lập quy hoạch vùng huyện Long Thành cần tránh được những hạn chế so với quy hoạch TP. Nhơn Trạch trước đây. Theo đó, các dự báo phải thực sự chuẩn xác, gắn liền với nhu cầu, lợi thế phát triển thực của huyện để đề ra các mục tiêu đúng, nếu không về sau rất khó phát triển được như mong muốn.
Theo dongnai.gov.vn