Nỗ lực hoàn thiện Chương trình hành động tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL

Thứ sáu, 18/01/2019 13:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được chia thành 2 giai đoạn và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện.

Khắc phục sạt lở tại ĐBSCL do BĐKH là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần triển khai. Ảnh minh họa

Cần những chiến lược quy mô, dài hạn

Triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ, địa phương vùng ĐBSCL đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động cụ thể.

 Để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, đồng thời gắn với phân công trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.

Ngày 7/1 vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp và nghe báo cáo xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường, chương trình được chia thành 2 giai đoạn: Trong đó, giai đoạn 2018-2020 là dựa trên Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phê duyệt đến năm 2020. Trọng tâm của giai đoạn này tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, những hoạt động có tính “mềm”, không đòi hỏi đầu tư cơ bản lớn, nhưng rất quan trọng, nhằm thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, khả thi đã ghi trong Nghị quyết 120/NQ-CP và chuẩn bị cho những nhiệm vụ, giải pháp “cứng”, cần đầu tư lớn ở giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2021-2030 sẽ dựa trên kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của giai đoạn đầu, trọng tâm của giai đoạn hai này tập trung vào hoạt động triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt, đồng thời xúc tiến những hoạt động có tính “cứng”, đó là đầu tư xây dựng cơ bản, đòi hỏi những nguồn kinh phí lớn.

Chia sẻ về các đề án, chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện, Giáo sư Trần Thục cho rằng, cần phải có những chiến lược quy mô, dài hạn để đối phó với những khó khăn hiện nay mà đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt.

Giáo sư Trần Thục cũng đề nghị cần giao quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong việc chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; cần có ý kiến chuyên sâu của các địa phương, tham vấn cụ thể hơn nữa người dân - những người thực hiện chuyển đổi và bị tác động trực tiếp cả thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.

Tránh chồng chéo quy hoạch

Hiện tại, theo các nhiệm vụ được đặt ra để thực hiện Nghị quyết 120, các dự án xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ được thực hiện khá bài bản.

Cụ thể, sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phướng pháp tích hợp đa ngành; quy hoạch phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH mang tính chất liên ngành, liên vùng; rà soát, hoàn thiện, lập phương án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của ĐBSCL; xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông thôn bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng vùng nông thôn ĐBSCL theo hướng bền vững, hiện đại, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; rà soát quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, lập quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, tận dụng lợi thế địa hình sông nước để phát huy vận tải thủy, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe người dân, tăng cường các điều kiện vệ sinh và giám sát chất lượng nước uống, sinh hoạt cho người dân trong điều kiện BĐKH.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng quy hoạch cần thực hiện theo hướng rà soát lại các quy hoạch của trung ương lẫn địa phương để tránh triển khai trùng lặp các quy hoạch tránh chồng chéo và gây lãng phí; thành lập Hội đồng điều phối vùng, thành lập quỹ phát triển bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp để khu vực có thể tích hợp, chia sẻ các nguồn thông tin tin cậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, BĐKH, tài nguyên nước thông qua đào tạo tại các trường đại học trong khu vực.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)