Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, ngày 16/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanma, Ấn Độ, Mông Cổ, Bangladesh, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Công ty PwC, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam (Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Nhật Bản).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu rõ: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị. Tính đồng bộ được bao hàm trong 10 lĩnh vực, riêng hạ tầng xác định 4 lĩnh vực trọng tâm cần được đầu tư cấp bách gồm: hạ tầng về giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng về thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng về đô thị.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã từng bước được quan tâm, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông vận tải đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối vùng miền trong cả nước.
Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp với dự án trọng điểm, quy mô lớn tại các vùng trên cả nước. Hạ tầng đô thị cũng được đầu tư nhất là ở các đô thị lớn như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Về nguồn lực đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa nguồn ngân sách nhà nước, Chính phủ cũng quan tâm thúc đẩy, thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân đặc biệt thông qua đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 150 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ USD. Những dự án đầu tư này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có tồn tại, thách thức nhất định đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam thời gian qua. Cụ thể, quy mô nền kinh tế chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì đầu tư ở mức cao cho kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng gây áp lực lên trần nợ công cao. Đồng thời, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, do đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ sẽ giảm. Trong khi đó, việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn đang là thách thức lớn đối với các cơ quan của Chính phủ.
Đáng chú ý, các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP vẫn còn hạn chế do một số nguyên nhân như: Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để tham gia cùng với các nhà đầu tư tư nhân; năng lực thực hiện còn yếu, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, còn thiếu cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư...
“Để đạt được mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, việc đề xuất những giải pháp toàn diện, trong đó có những giải pháp về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Diễn ra trong 2 ngày 16-17/11, hội thảo sẽ tập trung vào các vấn đề cụ thể như: tổng quan những xu hướng đầu tư công và hợp tác công - tư (PPP) gần đây tại châu Á, bao gồm giới thiệu khung quản trị hạ tầng toàn diện, bao trùm toàn bộ chu trình đầu tư công (theo phương pháp luận đánh giá quản lý đầu tư công - PIMA), đồng thời chỉ ra những thách thức chung về quản trị hạ tầng tại châu Á, dựa trên kết quả đánh giá PIMA ban đầu tại khu vực. Những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, cũng như những cải cách hiện hành về quản trị hạ tầng. Những cơ hội và thách thức liên quan đến các nguồn vốn truyền thống, cũng như các phương thức huy động vốn hiện đại, hướng nhiều hơn đến khu vực tư nhân, bao gồm từ huy động vốn trái phiếu và từ quỹ hạ tầng đến huy động vốn qua hợp tác công-tư.
Hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang đẩy mạnh thực hiện PPP trong 15 năm qua. Tuy nhiên, khi dư địa tài khóa hạn hẹp, cơ chế này mở ra cơ hội phát triển hạ tầng nhưng cũng tạo ra những rủi ro mới. Tại hội thảo, các đại biểu sẽ chỉ ra những cơ hội và rủi ro liên quan đến PPP, chỉ ra một số thông lệ tốt nhất về thể chế và pháp lý nhằm quản lý hiệu quả các cơ chế đó; cũng như những thông lệ tốt nhằm đảm bảo thẩm định và lựa chọn minh bạch các dự án PPP, dựa trên các điển hình quốc tế và khu vực; những thách thức liên quan đến khâu triển khai trong chu trình phát triển hạ tầng, bao gồm cả trường hợp PPP…
Qua các phiên thảo luận, hội thảo sẽ cung cấp cho các đại biểu bức tranh tổng thể về thực trạng và những nỗ lực phát triển, cải cách thể chế quản lý cơ sở hạ tầng các nước trong khu vực và Việt Nam, kèm theo những khuyến nghị của các chuyên gia về cải cách, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn