Sáng 25/12, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025.
Việc xây dựng thành phố thông minh là cơ hội để Đà Lạt ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài, nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng TP. Đà Lạt tiêu chuẩn hiện đại, tiện ích, bền vững.
Mô hình xây dựng TP. Đà Lạt thông minh dựa trên 4 trụ cột chính là quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế.
8 lĩnh vực được triển khai để xây dựng thành phố này gồm: Chính quyền điện tử với việc nâng cấp, triển khai hoàn thiện ứng dụng nội bộ trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ giao tiếp của cơ quan Nhà nước với người dân và doanh nghiệp; quy hoạch đô thị và quản lý đất với cổng thông tin công bố thông tin quy hoạch, phát triển đô thị, hệ thống mô phỏng 3D quy hoạch, cơ sở dữ liệu về đất đai, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, cơ sở dữ liệu về nhà ở và bất động sản.
Lĩnh vực nông nghiệp: Các giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất tại các doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.
Lĩnh vực du lịch: Xây dựng cổng thông tin ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động, xây dựng thành phố wifi…
Lĩnh vực thành phố an toàn: Lắp đặt hệ thống camera giao thông, hệ thống tích hợp quản lý camera an ninh tập trung, trung tâm điều hành giám sát tập trung…
Lĩnh vực môi trường: Mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, môi trường đất thành phố, hệ thống nhà máy xử lý rác thải và cung cấp thông tin cho người dân, xây dựng bản đồ và phần mềm dự báo lan truyền ô nhiễm…
Lĩnh vực giáo dục-đào tạo: Xây dựng hệ thống bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning, lớp học tương tác thông minh…
Lĩnh vực y tế: Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh, xây dựng y bạ điện tử, quản lý sức khỏe cho người dân, chăm sóc sức khỏe từ xa trên nền tảng vạn vật kết nối…
Lĩnh vực giao thông: Xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người dân và du khách, giải pháp bãi đỗ xe thông minh, vé xe điện tử, hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng áp dụng cho xe buýt…
Lộ trình tổng thể chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 2018-2020: Thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai các lĩnh vực ưu tiên (chính quyền số, quy hoạch đô thị); xây dựng và thiết lập khung công nghệ, nền tảng hạ tầng và dữ liệu cho thành phố thông minh, nền tảng an toàn, an ninh thông tin; tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng các ứng dụng thông minh trong hoạt động quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; lựa chọn và triển khai một số ứng dụng thông minh ưu tiên trong các lĩnh vực; xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh và tích hợp dần các công cụ, ứng dụng trong các lĩnh vực.
Giai đoạn 2021-2025: Triển khai đồng bộ các giải pháp trên nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn. Cụ thể, triển khai các lĩnh vực khác theo lộ trình: Du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn,...; hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ công dân, doanh nghiệp, nâng cao tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cung cấp dữ liệu mở; hình thành nền tảng phân tích dữ liệu lớn, dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo thành phố; thường xuyên cải tiến và mở rộng các ứng dụng trong các lĩnh vực theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Trước đó, ngày 24/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm, giải pháp xây dựng thành phố thông minh. Tại đây, hàng loạt các ứng dụng tiện ích, thông minh thuộc đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” chính thức vận hành, gồm: Cổng thông tin du lịch thông minh (https://dalatcity.org), cổng thông tin quy hoạch (https://quyhoach.dalatcity.org), hệ thống chiếu sáng thông minh và hệ thống wifi công cộng.
Đà Lạt là một trong những thành phố đầu tiên của Việt Nam triển khai xây dựng thành phố thông minh. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử. 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sử dụng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Theo chinhphu.vn