Thiếu dịch vụ hạ tầng
Theo TS Nguyễn Quang (Tổ chức UN Habitat Việt Nam), thực tế ở ngoại ô các thành phố lớn, người dân (chủ yếu là người thu nhập thấp và trung bình, di cư từ nông thôn vào đô thị) vẫn đang sống tại các khu vực thiếu hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng thiếu điện, nước, ngập lụt vẫn là nỗi lo thường trực. Mặc dù Nhà nước luôn yêu cầu phải bảo đảm cơ sở hạ tầng thiết yếu trước khi người dân đến ở, nhưng do tốc độ mở rộng đô thị quá nhanh cho nên tại những khu vực đó, nhà ở thường được xây dựng trước và hạ tầng được cung ứng sau. Điều này dẫn đến tổng chi phí cho nhà ở và hạ tầng sẽ cao hơn nhiều so với việc xây dựng hạ tầng ngay từ đầu. Thậm chí, nhiều trường hợp người dân sống tại khu vực này không được tiếp cận dịch vụ hạ tầng một cách đầy đủ, phải mua điện, nước sạch tại các khu vực chung quanh với giá rất cao. Đồng thời, việc chuyển đổi đất, lấp các vùng đất ngập nước, cũng như bơm hút nước ngầm để sử dụng một cách thiếu kiểm soát đã làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước tự nhiên trong khu vực, trong khi hệ sinh thái cũng không thể đáp ứng lượng nước thải chưa qua xử lý ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nước sạch cả về số lượng và chất lượng có sự khác nhau giữa các khu vực và giảm dần theo quy mô thành phố. Nhiều thị trấn nhỏ, ven đô không có đường ống cấp nước, chủ yếu dựa vào nguồn nước cấp từ khu vực tư nhân bán chính thức thông qua các hệ thống cấp nước quy mô nhỏ. Nước sau khi được xử lý tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn, nhưng do chất lượng của hệ thống đường ống kém, cho nên khi đến các hộ dân nước có lúc không đáp ứng tiêu chuẩn, đồng thời tỷ lệ thất thoát nước tuy có giảm trong nhiều năm gần đây, nhưng vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2018, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 86%, tăng 1,5%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86%, tăng 0,5%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 21,5%, giảm 1,5% so với năm 2017.
Với tốc độ đô thị hóa khá cao, khoảng 38,4% năm 2018, áp lực về hạ tầng ngày càng tăng. Việc cung ứng điện đôi khi rơi vào tình trạng quá tải, nhất là vào mùa nắng nóng. Song song với đó là việc mở rộng mạng lưới giao thông diễn ra liên tục trong bối cảnh dân số và lượng phương tiện cá nhân không ngừng gia tăng. Hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra thường ngày tác động lớn đến sinh hoạt, đi lại và gây bức xúc dư luận mà chưa có phương án giải quyết triệt để.
Cải thiện chất lượng dịch vụ
Mặc dù Việt Nam đã đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trong việc cung cấp nước và mở rộng dịch vụ vệ sinh trong đô thị, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, dịch vụ vệ sinh, điện năng, giao thông, giá cả hợp lý. Đây là những thách thức không nhỏ, nhất là khi tốc độ phát triển, đô thị hóa ngày càng tăng. Một rào cản hiện nay là mức phí dành cho dịch vụ đô thị còn thấp. Theo tiến sĩ J. K. Cheng, chuyên gia tư vấn của UN Habitat Việt Nam, mức phí thấp cản trở sự phát triển hạ tầng mới, do các khoản phí là nguồn thu chính để vận hành, bảo dưỡng hệ thống. Để cải thiện chất lượng dịch vụ, chính quyền các đô thị cần xây dựng lộ trình, kế hoạch tăng chi phí theo hướng bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính sẵn có, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ hạ tầng thông qua các chính sách công khai, minh bạch, đổi mới công tác quản lý để nâng cao tín nhiệm và xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương rất quan trọng nhằm tạo ra những cơ chế phù hợp, san sẻ gánh nặng cho ngân sách trong điều kiện áp lực về dân số, giao thông, hạ tầng đô thị ngày càng cao. Vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức đấu thầu tập trung một số dịch vụ về vệ sinh môi trường trên địa bàn, mang lại những kết quả tích cực, góp phần tiết giảm chi phí ngân sách, tăng tính công khai, minh bạch trong việc cung ứng dịch vụ đô thị. Tuy nhiên, tùy từng địa bàn, khối lượng công việc đã dẫn đến nhiều phát sinh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc bám sát thực tế để kịp thời bổ sung, điều chỉnh định mức, đơn giá rất cần thiết, nhất là việc hài hòa lợi ích trong việc tìm kiếm nguồn lực nâng cấp dịch vụ đô thị, nhưng vẫn duy trì mức giá phù hợp để mọi người dân có thể chi trả trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, xét về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung cho phát triển đô thị, trong đó có vấn đề về dịch vụ đô thị. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương triển khai thực hiện hàng loạt các đề án về quy hoạch, quản lý, kiểm soát quá trình phát triển đô thị, cùng với đó là hoàn thành và triển khai đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn”. Đồng thời, tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tổ chức thực hiện chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch và bảo đảm cấp nước an toàn; triển khai các chương trình đề án, dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật..., phấn đấu trong năm nay nâng tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung lên 88%, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 20%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86,5%.
Theo Nhân dân điện tử