Gia Lâm đẩy mạnh phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị

Thứ ba, 18/12/2018 12:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXI và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020). Xác định tầm quan trọng đó, trong năm, UBND huyện đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp và đạt những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Với nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ tiến độ”, huyện Gia Lâm đã đề ra các giải pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, điều hành. Đến nay, UBND huyện đã ban hành 17.373 văn bản chỉ đạo, điều hành; tiếp nhận xử lý 8.096 văn bản, giải quyết kịp thời các vấn đề thường xuyên, đột xuất phát sinh. Đồng thời, huyện đã tranh thủ sự giúp đỡ của thành phố để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”…
 
Huyện cũng triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách, tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất, tập trung công tác đấu giá quyền sử dụng đất; chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, chỉ đạo duy trì trật tự và văn minh đô thị; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên môi trường. Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nhờ đó, trong năm 2018, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế do huyện quản lý ước tăng 11,65%. Trên địa bàn huyện hiện có 4 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 99%, thu hút 209 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 2 cụm công nghiệp Lâm Giang và Đình Xuyên đang chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016-2020, huyện đã triển khai 17 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 110 tổ nhóm sản xuất PGS với tổng số 1.403 thành viên. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục được duy trì. Hiện, toàn huyện có 97 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn tập trung tại các xã Yên Thường, Phù Đổng, Dương Quang, Văn Đức…

Công tác xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh, đời sống nhân dân được nâng cao. Đến nay, huyện đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM (còn 1 tiêu chí cơ bản đạt - Môi trường). Hiện, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Với các biện pháp quyết liệt, bộ mặt đô thị huyện ngày càng chuyển biến tích cực. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng theo quy hoạch. Qua đó, đã cấp giấy phép xây dựng cho 1.095 trường hợp, tổng diện tích sàn 272.117m2. Tỷ lệ công trình xây dựng có phép, miễn phép đạt 98,65%. Thực hiện tốt việc giữ gìn trật tự và văn minh đô thị, đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự dỡ bỏ và tổ chức giải tỏa vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường, hướng dẫn chỉnh sửa đảm bảo mỹ quan đô thị và duy trì trật tự đô thị sau giải tỏa.

Đáng chú ý, huyện đã kiên quyết với những vi phạm trong trật tự xây dựng và quản lý đất đai. Huyện đã kiểm tra 1.186 công trình xây dựng, phát hiện, xử lý 34 trường hợp vi phạm, trong đó, cưỡng chế 1 trường hợp, tự khắc phục 23 trường hợp. bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc UBND các xã, thị trấn thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm còn tồn đọng. Kết quả, đến nay, trên địa bàn huyện còn 5 trường hợp tồn đọng. 

Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, đã cấp được 443 GCN cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt tỷ lệ 147,7% kế hoạch và 194 GCN đất tín ngưỡng, đạt 100% kế hoạch. Huyện cũng tập trung xử lý tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất công. Đến nay, đã khắc phục được 223/304 vị trí xã, thị trấn cho thuê đất trái thẩm quyền; 116/132 vị trí giá cho thuê đất thấp hơn giá khởi điểm; 18/74 vị trí sử dụng đất sai mục đích; 177/218 vị trí người dân tự sử dụng đất. Phê duyệt 152 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 15.209m2.

Cùng với những kết quả trên, huyện Gia Lâm cũng chú trọng phát triển văn hóa, xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 82,9%. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94%;tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt 90,3%; tỷ lệ TDP văn hóa đạt 93,3%. Trong năm, huyện đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3,8 tỷ đồng, đạt 250% kế hoạch; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 123 nhà cho người có công với kinh phí 7,2 tỷ đồng. Với nhiều hình thức giảm nghèo, đã góp phần giảm nghèo cho 338 hộ, đạt 442,5%; vận động Quỹ vì người nghèo đạt 5,6 tỷ đồng, vượt kế hoạch TP giao gần 2,3 tỷ đồng. Song song với đó, đã giải quyết việc làm cho 8.100 người, đạt 100% kế hoạch.

Năm 2019, huyện Gia Lâm phấn đấu đạt danh hiệu “Đơn vị anh hùng lao động”; tập trung hoàn thiện các tiêu chí về phát triển KT-XH và hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo bền vững và tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế.


Theo Hà Nội portal
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)