Thành phố Phủ Lý có diện tích tự nhiên 8.763,95 ha; 21 đơn vị hành chính (11 phường và 10 xã), Phủ Lý có lợi thế nằm trên quốc lộ 1A và đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, có tuyến đường sắt bắc - nam đi qua; là nơi gặp gỡ của ba dòng sông (sông Đáy, sông Nhuệ và sông Châu Giang) rất thuận tiện về giao thông đường thủy và đường bộ. Nằm trong vành đai của Vùng đô thị Hà Nội và tam giác kinh tế phía nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, TP Nam Định 30 km và TP Ninh Bình 33 km, TP Phủ Lý có vị trí địa lý, kinh tế quan trọng, là yếu tố thuận lợi để Phủ Lý phát triển, mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo định hướng phát triển, TP Phủ Lý sẽ là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hà Nam; trung tâm y tế chất lượng cao và dịch vụ đi kèm của Vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng. Phủ Lý cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực của Vùng Thủ đô Hà Nội và sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Việc xây dựng TP Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam là yêu cầu khách quan trong tiến trình phát triển, phù hợp định hướng, chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh Hà Nam. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Phủ Lý đã tập trung nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, tăng quy mô dân số, xây dựng diện mạo đô thị ngày càng khang trang, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Năm 2018, TP Phủ Lý đã hoàn thành vượt mức toàn bộ 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra, tổng thu ngân sách đạt (1.370,535 tỷ đồng (155,6% so với kế hoạch tỉnh giao). Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 22.191 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 105,30 triệu đồng/ người/ năm.
Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, những năm qua, TP Phủ Lý đã triển khai lập quy hoạch chung xây dựng Phủ Lý đến năm 2030 tầm nhìn 2050 với bảy phân khu chức năng: Khu trung tâm lịch sử hiện hữu; Khu đại học - giáo dục đào tạo nguồn nhân lực; Khu hành chính, chính trị phức hợp mới của tỉnh; Khu y tế - thương mại dịch vụ chất lượng cao; Khu du lịch sinh thái Phù Vân gắn với nông nghiệp chất lượng cao; Khu công nghiệp xanh; Khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố đã tích cực triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, lập quy hoạch chi tiết 1/500, xây dựng chương trình phát triển đô thị TP Phủ Lý đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tạo cơ sở để triển khai các dự án phát triển đô thị.
Một góc TP Phủ Lý.
Để quản lý và đầu tư phát triển đô thị, Phủ Lý đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, nhằm phát huy tối đa vai trò định hướng phát triển của quy hoạch chung xây dựng đô thị Phủ Lý. Thành phố đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, các hạng mục công trình kết nối các hệ thống hạ tầng thiết yếu, hệ thống xử lý nước thải, chống ngập úng, xử lý vệ sinh môi trường trên địa bàn theo đúng kiến trúc cảnh quan đô thị. Quy hoạch được công khai phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân và quyết tâm thực hiện tốt quy hoạch. Năm 2018, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được thành phố duy trì bảo đảm. Cùng với việc nâng cấp, chỉnh trang các khu đô thị cũ, vấn đề phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới được triển khai đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở thương mại xã hội của người dân. Thực hiện tiếp nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu nhà ở mới như khu đô thị Nam Lê Chân, khu đô thị Liêm Chính, khu nhà ở cán bộ Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2... góp phần bảo đảm nhu cầu nhà ở, tạo kiến trúc cảnh quan và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Hệ thống hạ tầng giao thông được thực hiện theo đúng quy hoạch với chức năng là đầu mối giao thông vùng liên tỉnh đã và đang góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh Hà Nam. Đáng chú ý, hệ thống giao thông đối ngoại phát triển nhanh, thuận tiện và là lợi thế lớn của thành phố. Các công trình thương mại, dịch vụ như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay, TP Phủ Lý đã có 10 công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị điển hình như Chợ Bầu, trung tâm thương mại Vincom, trung tâm dịch vụ thương mại Mường Thanh, trung tâm thương mại Hải Đăng... Cùng với đó, thành phố còn đầu tư xây dựng nhiều công trình và không gian công cộng như: Công viên Nguyễn Khuyến, vườn hoa Nam Cao,...; cải tạo, nâng cấp và mở rộng 10 hồ như hồ Chùa Bầu, hồ bắc Trần Hưng Đạo, hồ Vân Sơn, hồ Vực Kiếu,…
Quy hoạch khu du lịch sinh thái tập trung tại các xã Phù Vân, Kim Bình và các khu vực ven sông Đáy, sông Châu Giang,... Nhiều công trình di tích tôn giáo được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như đình Thịnh Châu Hạ, đình Thịnh Châu Thượng, địa điểm trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972), đình An Xá...
Với mục tiêu, hạ tầng đô thị phải được đồng bộ, TP Phủ Lý đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Năm 2018, thành phố thực hiện đầu tư 179 dự án, công trình, trong đó: 89 dự án công trình đã thi công hoàn thành (phê duyệt quyết toán 11 dự án, công trình); 66 dự án, công trình đang thực hiện đầu tư; 24 dự án, công trình đang chuẩn bị đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 9.160,61 tỷ đồng, tăng 13,79% so với năm 2017. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều dự án đã hoàn thành. Năm 2018, tổng số dự án giải phóng mặt bằng đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố là 69 dự án. Thành phố tập trung các nguồn lực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, các hạng mục công trình khớp nối hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống xử lý nước thải, chống ngập úng, xử lý vệ sinh môi trường trên địa bàn… Các khu công viên cây xanh của thành phố chủ yếu xen kẽ ở các khu dân cư trong khu nội thị và ở các khu đô thị mới, với tổng diện tích đất cây xanh trên địa bàn là 145,98 ha, đạt bình quân 7,12 m2/người, trong đó diện tích cây xanh khu vực nội thị 67,59 ha…
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của TP Phủ Lý cũng đang trên đà phát triển. Phủ Lý hiện có một khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp với diện tích hơn 487 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 90%, thu hút hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Thành phố tập trung chỉ đạo các xã tích cực phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, thành phố có thêm hai xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (toàn bộ 10 xã đạt chuẩn).
Với tiềm năng của một thành phố đang phát triển, nhu cầu thu hút đầu tư là rất lớn. Để có thể thu hút đầu tư từ người dân, doanh nghiệp, cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Vì vậy TP Phủ Lý đã đẩy mạnh cải cách hành chính gắn phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố luôn quan tâm xây dựng tổ chức chính quyền các cấp bảo đảm đúng pháp luật, công khai, dân chủ, nhất là cơ chế một cửa, một cửa liên thông, coi đây là giải pháp tốt để đổi mới về phương thức làm việc của các phòng, ban, thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Mục tiêu đặt ra là giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, đúng quy định pháp luật và tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân, để người dân không phải tốn kém chi phí và thời gian đi lại. Từ năm 2017, Trung tâm hành chính công thành phố đi vào hoạt động. Tại trung tâm có bộ phận kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của công chức trong giải quyết công việc với nhân dân; kịp thời xử lý, phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, thành phố đã tạo lập được một môi trường làm việc thống nhất, hiện đại để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân...
Là thành phố trẻ, đang phát triển và được Chính phủ công nhận thành phố đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hà Nam là điều kiện tốt để Phủ Lý tiếp tục phát huy những yếu tố tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội của đô thị trong kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn, từng bước tương xứng với vai trò và vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hà Nam. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững, TP Phủ Lý tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới định hướng đầu tư và mô hình tăng trưởng; đồng thời triển khai đồng bộ các khâu đột phá về phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giữ vững quốc phòng an ninh; thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân.
Theo Nhân dân điện tử