Tạo đột phá phát triển đô thị Vĩnh Phúc

Thứ năm, 12/04/2018 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với mục tiêu đẩy nhanh quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc theo tiêu chí đô thị loại I, mới đây Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, với những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Đây được xem là bước đi quan trọng cho phát triển đô thị, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Vĩnh Yên đô thị năng động, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã xác định và kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội gắn với phát triển đô thị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật chung và các chương trình, dự án trọng điểm.

Tỉnh đã dành nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội. Kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc có bước phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh; các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện và nâng cao.

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và tích cực thu hút nguồn lực bên ngoài cho đầu tư kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, từng bước hoàn thiện diện mạo đô thị, nông thôn của tỉnh theo hướng khang trang, hiện đại, văn minh.

Hệ thống hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ công cộng và nhà ở ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Hạ tầng kinh tế phát triển với nhiều khu công nghiệp tập trung, khu du lịch, dịch vụ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động.

Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khung của các đô thị đã và đang được đầu tư xây dựng; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa giao thông quốc gia với giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu kinh tế-xã hội, bao gồm: Đường sắt chiều dài 35km; đường bộ tổng chiều dài gần 700km (đường cao tốc, các tuyến quốc lộ; các tuyến đường tỉnh và đường đô thị). Hệ thống cấp nước sạch; thu gom và xử lý nước thải, rác thải; cấp điện; thông tin liên lạc đáp ứng đầy đủ, ổn định trong các đô thị.

Từ năm 2011- 2017, tỉnh đã phát triển thêm 21 dự án nhà ở, nâng tổng số các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh lên 62 dự án; quy mô, mạng lưới trường học các cấp được củng cố, hoàn thiện; cơ sở vật chất y tế được quan tâm đầu tư, tỷ lệ giường bệnh đạt 29,3 giường/vạn dân; 93% các xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu nhân dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc còn chưa đồng bộ, chủ yếu mới tập trung cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông; các dự án đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện hiện đại, nhà máy xử lý chất thải rắn, nghĩa trang tập trung chưa được quan tâm đúng mức.

Chất lượng một số công trình, nhất là một số tuyến đường giao thông xuống cấp nhanh. Tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm hành lang giao thông vẫn diễn ra. Đánh giá theo 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn của đô thị loại I, áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 1210 của UBTV Quốc hội về phân loại đô thị, đô thị Vĩnh Phúc mới đạt 54,7/100 điểm.

Để đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng đô thị, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; đến năm 2025 hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị, hướng tới mục tiêu Vĩnh Phúc trở thành phố trực thuộc trung ương,UBND tỉnh đã ban hành Đề án đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, đến năm 2025 đạt các mục tiêu cụ thể: Diện tích nhà ở đô thị bình quân 28,5m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 98,5%; tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng đạt 25%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày.đêm đạt trên 95%; 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới có trạm xử lý nước thải; 80% tỷ lệ nước thải sinh hoạt và 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; đất cây xanh đô thị đạt 18m2/người…

Các giải pháp được đưa ra đó là: Tập trung nâng cao hiệu quả quy hoạch, kế hoạch về xây dựng công trình hạ tầng đô thị. Xây dựng tạo cơ chế, chính sách thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình đô thị.

Nâng cao chất lượng các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm và linh hoạt trong sử dụng vốn đầu tư công. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt chính sách phát triển dân cư và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Với các giải pháp, bước đi phù hợp cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, hoạt động đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc sẽ có những bước chuyển mới tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại và phát triển bậc nhất ở miền Bắc.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)