Trải qua 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, ngành Xây dựng không ngừng phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, tập trung sức đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực công tác và sản xuất.
Ngành Xây dựng tập trung lập và trình duyệt quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và thị tứ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm đến 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch chung và QHCT các khu chức năng, các trục đường chính của thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, trung tâm các huyện trong tỉnh đáp ứng được nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2011, ngành đã hoàn thành đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2012, ngành tập trung lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt. Có thể nói hiện nay, toàn tỉnh đã được phủ kín quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới; ngành tiếp tục triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu đô thị để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và lần thứ XVI là “Phấn đấu đến năm 2015 Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21”, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc tích cực tham mưu và được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh ban hành một số Nghị quyết về phát triển đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013- 2020.
Đến nay, công tác đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch , khu công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu nhất định. Về hạ tầng đô thị, trong những năm qua được phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch của tỉnh được phát triển như: QL 2A, QL2B, QL2C, các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và một số tuyến đường đô thị mới đã được đầu tư xây dựng... Hệ thống cung cấp nước sạch cho thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và các khu công nghiệp về cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước tiêu dùng cho các đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các Khu công nghiệp được mở rộng để phát triển như: Khai Quang, Bình Xuyên 1, Bình Xuyên 2, Bá Thiện, Phúc Thắng. Các đô thị mới được hình thành như Hà Tiên, Tây Hồ, Sông Hồng Thủ đô, Nam Đầm Vạc, Nam Vĩnh Yên (thuộc Vĩnh Yên), khu đô thị Hùng Vương, Phúc Thắng (Phúc Yên) và nhiều khu dân cư mới tại các thành phố, các huyện được đầu tư xây dựng.
Bộ mặt các đô thị và các huyện lỵ ngày càng đổi thay. Các khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được quy hoạch và đầu tư xây dựng như Khu du lịch Đại Lải, Tây Thiên, Tam Đảo, khu du lịch Đầm Vạc, Sông Hồng Thủ đô, FLC Vĩnh Thịnh ... trở thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách. Nhiều công trình tạo được dấu ấn kiến trúc như Trụ sở Tỉnh ủy, Nhà hát, Công viên quảng trường tỉnh, Văn Miếu, khu du lịch Tây thiên, Công viên Tam Đảo, Công viên Tây Thiên, khu du lịch Flamingo Đại Lải, Khách sạn sinh thái Sông Hồng Thủ đô...
Về phát triển vật liệu xây dựng, ngành tập trung làm tốt công tác quy hoạch VLXD trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản xuất vật liệu phát triển như gạch ốp lát, gạch xây không nung, đặc biệt sản phẩm gạch ceramic Vĩnh Phúc và thép Việt Đức chiếm sản lượng lớn và có chất lượng tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật và quản lý chất lượng công trình xây dựng, đã được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại nên công tác thẩm định và kiểm định ngày càng tốt hơn. Sở Xây dựng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, hồ sơ giới thiệu địa điểm và cấp giấy phép xây dựng. Thường xuyên kiểm tra thực hiện đầu tư xây dựng và chất lượng thi công tại nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Công tác quản lý xây dựng ở cấp huyện được tăng cường và có sự phối hợp tốt giữa ngành và cấp trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Các tổ chức tư vấn thiết kế, Ban QLDA công trình xây dựng, Ban quản lý hạ tầng khu công nghiệp đều được củng cố, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một tỉnh công nghiệp và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, ngành Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tích cực nghiên cứu đề xuất và thiết kế QHCT phát triển các khu công nghiệp mới thuộc huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Tường, dọc trục đường xuyên Á, quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Tập trung quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch tái định cư và đất dịch vụ tại các khu công nghiệp, quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch điều chỉnh, quy hoạch chi tiết các xã nông thôn mới đảm bảo phù hợp với sự phát triển, kết nối trong khung hạ tầng thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ và UBND tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (2003); Huân chương Lao động hạng Nhất (2008); Huân chương Độc lập hạng Ba (2013)...
Nguyễn Văn Chiến - (Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng)
Theo báo Vĩnh Phúc