Vĩnh Phúc: Ưu tiên lợi ích cộng đồng

Thứ hai, 23/04/2018 14:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hạ tầng xã hội là một trụ cột quan trọng trong quá trình phát triển tổng thể đô thị Vĩnh Phúc. Thời gian qua, tỉnh ta đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt lợi ích của cộng đồng.

Kết cấu hạ tầng xã hội của Vĩnh Phúc được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh

Kết cấu hạ tầng xã hội là các dự án, công trình phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của cộng đồng, bao gồm: Nhà ở xã hội; công trình giáo dục và đào tạo; hệ thống cơ sở y tế; các công trình văn hóa thể thao và du lịch; công viên cây xanh; công trình thương mại, dịch vụ…

Để đảm bảo hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội được triển khai có hiệu quả, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; khẩn trương đưa các dự án, công trình được ưu tiên đầu tư vào trong quy hoạch, tránh việc phê duyệt dự án không có trong quy hoạch.

Tổ chức xây dựng danh mục các dự án kết cấu hạ tầng xã hội cần ưu tiên đầu tư theo hướng phù hợp quy hoạch, tạo sự lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư, khai thác và huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Từng bước cải cách bộ máy quản lý nhà nước ở đô thị đảm bảo tinh, gọn, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý. Nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư và chất lượng xây dựng các công trình dự án. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt các chính sách phát triển dân cư và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 21 dự án nhà ở xã hội, đã đưa vào sử dụng 5 dự án với quy mô hơn 1.000 căn hộ; thực hiện hỗ trợ gần 2.500 hộ gia đình có công và người nghèo xây dựng nhà ở; diện tích nhà bình quân đạt 19,5m2/người.

Quy mô mạng lưới trường học từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được củng cố hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Các trung tâm giáo dục đào tạo phát triển tập trung tại Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Dương và chuẩn bị đầu tư dự án khu đô thị đại học, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

Nhiều dự án y tế quan trọng đang tiếp tục được đầu tư như: Dự án Bệnh viện sản nhi tỉnh; dự án Bệnh viện Đa khoa; Viện nghỉ dưỡng…Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 8/9 huyện, thành, thị có trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện; trên 90% các xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa xã và gần 95% các thôn có nhà văn hóa thôn.

Công trình công viên, cây xanh kết hợp với các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cho nhân dân được quan tâm phát triển, hiện đã có một số địa điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Khu công viên Đài tưởng niệm; Công viên sinh thái hồ Bảo Sơn; Khu đồi Tỉnh ủy; Khu Bảo tàng; Công viên quảng trường Hồ Chí Minh… Mạng lưới các công trình thương mại, dịch vụ được đầu tư từng bước hoàn chỉnh, đến năm 2017, toàn tỉnh có 59 chợ được phân hạng, trong đó có 4 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 44 chợ hạng III; 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, trong đó có kết cấu hạ tầng xã hội, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho các dự án nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các công trình hạ tầng xã hội lớn của tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện sản nhi, chợ Vĩnh Yên, chợ Phúc Yên, Chợ đầu mối nông sản Thổ Tang, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, khu đào tạo vận động viên tỉnh…

Tạo điều kiện thuận lợi cho ác doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các công trình đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, dịch vụ cho nhân dân như: Các khu du lịch Tam Đảo 1, Tam Đảo 2, Khu danh thắng Tây Thiên, Đầm Vạc, Đải Lải; trường đua ngựa; khu đô thị đại học; các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân…góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là một trong những đô thị có kết cấu hạ tầng xã hội đáp ứng tốt nhất lợi ích của cộng đồng.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)