Thu hút nhân tài bằng chính sách tiền lương
HÐND thành phố đã thông qua "Ðề án cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức". Ngay từ đầu tháng 4-2018, tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố bắt đầu thực hiện các bước đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và cán bộ không chuyên trách. Từ kết quả đánh giá này, các đơn vị sẽ trả thu nhập tăng thêm cho CB, CC, VC thay vì "cào bằng" như trước đây.
Mục tiêu của thành phố là ngay trong năm 2018, những CB, CC, VC có hiệu quả công việc tốt (dựa trên đánh giá hằng quý, hằng năm) sẽ được tăng thu nhập gấp 0,6 lần. Ðể thu hút nhân tài, tránh hiện tượng "chảy máu chất xám", thành phố cam kết đến năm 2020, lương của CB, CC, VC sẽ tăng khoảng 1,8 lần. Thu nhập tăng thêm của năm nào, căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hằng quý, hằng năm của từng CB, CC, VC.
Ngoài tăng thêm thu nhập cho CB, CC, VC dựa theo năng lực làm việc, HÐND thành phố cũng đã phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và thông qua tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 của thành phố. Theo đó, phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội đặc thù năm 2018 là 119.976 người; tổng biên chế hành chính năm 2018 là 12.345 biên chế, gồm 11.687 biên chế công chức và 658 người hợp đồng. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, nhiều kinh nghiệm đào tạo, tư vấn, vận hành… sẽ được tuyển dụng làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Khi được tuyển chọn, nhân sự được trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng, hưởng lương chuyên gia cao cấp cùng các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhà ở công vụ, kinh phí thuê nhà.
Cùng với việc cải cách tiền lương, TP Hồ Chí Minh thông qua đề án về mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô-tô. Từ ngày 1-6-2018, phí tạm dừng đậu ô-tô trên lòng đường được tính cao nhất là 40 nghìn đồng/giờ, trong khi hiện tại là năm nghìn đồng/lượt, cao hơn khoảng 20% so với mức thu của các cao ốc, trung tâm thương mại. Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho hai nhóm là ô-tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ô-tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
Theo Chủ tịch HÐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đề án về thu hút nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, thu phí ô-tô đậu đỗ trên đường… đã tạo động lực giải quyết những vấn đề lớn, cũng như tạo tầm nhìn chiến lược phát triển thành phố. Từ những đề án này sẽ góp phần thay đổi hành vi của mỗi người dân thành phố. CB, CC, VC sẽ làm việc tích cực hơn khi được trả thu nhập xứng đáng. Người dân khi đậu đỗ ô-tô trên các tuyến phố trung tâm sẽ có ý thức hơn trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Ðột phá về hạ tầng
Thực hiện cơ chế đặc thù, người dân TP Hồ Chí Minh mong muốn sẽ có đột phá về hạ tầng đô thị. Trước đây, những dự án công thuộc nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố phải xin ý kiến các bộ, ngành và chờ Chính phủ thông qua mới được thực hiện cho nên mất nhiều thời gian. Nay, với cơ chế đặc thù đã cho phép thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố.
Vận dụng cơ chế này, ngay từ tháng 3-2018, HÐND thành phố đã ra Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư hai dự án lớn là "Xây dựng rạp xiếc, biểu diễn đa năng Phú Thọ" và "Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể dục, thể thao Rạch Chiếc" (phục vụ SEA Games 31 vào năm 2021) với tổng mức đầu tư hai dự án lên tới 9.495 tỷ đồng. Ðây chính là hai dự án nhóm A quan trọng, tạo điểm nhấn cho TP Hồ Chí Minh. Thành phố cũng đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng khu đô thị sáng tạo tại ba quận khu Ðông thành phố (các quận 2, 9, Thủ Ðức). Khu đô thị sáng tạo này chính là nền tảng để tiến tới xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Bùi Xuân Cường, ngay trong năm 2018, Sở GTVT sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn. Trong đó, các dự án giao thông khu Ðông thành phố được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm: Ðường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án bốn tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy, công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng Cát Lái. Trong giai đoạn 2018 - 2020, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía đông như: Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Ðịnh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy). Với việc thành phố đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, khu Ðông TP Hồ Chí Minh sẽ có sức bật lớn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cho biết, quận đang phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để bàn giao mặt bằng cho thành phố xây dựng, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành đến 40 m. Sau khi được đầu tư mở rộng, đây sẽ là tuyến đường giúp kết nối thuận tiện khu trung tâm với các quận, huyện phía nam thành phố và nhiều tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ. Quận 4 cũng đang gấp rút triển khai nhiều dự án quan trọng khác như: Mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bên bờ kênh Tẻ kết hợp với giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái kết nối quận 4 với quận 1 (cầu Trần Ðình Xu) và kết nối quận 4 với quận 7 (cầu Nguyễn Khoái)…
Theo Nhân dân điện tử