Cho ý kiến vào dự thảo lần 1 Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, 25/12/2019 11:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/12/2019, Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe, cho ý kiến về dự thảo lần 1 Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự thảo quy hoạch tại hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch ngành Trung ương và quy hoạch phát triển vùng; đồng thời, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh. Tập trung nguồn lực để phát triển 4 vùng kinh tế động lực, 5 trụ cột, 6 hành lang kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; có thể lực, trí lực và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, có khả năng nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn.

Bố trí không gian phát triển ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, hợp lý gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền và khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong tỉnh. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần và vật chất cho nhân dân, bảo đảm sự hài hòa và lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của các bên tham gia vào quá trình phát triển của tỉnh. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữ khu vực miền núi và đồng bằng, ven biển; bảo tồn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thanh Hóa đạt mức bình quân chung của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến, là trung tâm dịch vụ du lịch và dịch vụ logictic.

Nhiệm vụ trọng tâm, tập trung phát triển công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng Nghi Sơn trở thành trung tâm lọc hóa dầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cung cấp các sản phẩm dầu, sau lọc hóa dầu cho thị trường trong cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trọng tâm là cung cấp các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng đến năm 2030 đưa tỉnh Thanh Hóa thành trung tâm du lịch ven biển, nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
 


Đại diện các địa phương phát biểu tham luận tại hội nghị.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất để đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thưc hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hiêu quả các cơ chế, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các hệ sinh thái rừng, bảo vệ vốn rừng, xã hội hóa nghề rừng nhằm giải quyết việc làm, tạo sinh kế và giúp người dân thoát nghèo, phát triển bền vững từ nghề rừng.

Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phục dựng các khu chức năng, các công trình kiến trúc thuộc quần thể di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, phấn đấu khôi phục Thành Nhà Hồ và một số di tích lịch sử Quốc gia đặt biệt trước năm 2030. Đầu tư nâng cấp, mở rộng Sân bay Thọ Xuân theo quy hoạch tổng thể phát triển hàng không Việt Nam, đưa Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế, đến năm 2030 công suất đạt 5 triệu lượt khách/năm. Kêu gọi đầu tư hoàn thành hệ thống cảng biển Nghi Sơn theo quy hoạch, các tuyến giao thông đối ngoại của các vùng kinh tế động lực.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025 hoàn thành sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và đến năm 2030 TP. Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; đồng thời, sáp nhập huyện Quảng Xương vào TP. Sầm Sơn, sáp nhập huyện Hà Trung vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập thị xã Thọ Xuân và thị xã Ngọc Lặc. Xây dựng thị xã Nghi Sơn trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc tỉnh. Phát triển các dịch vụ y tế thông minh để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xây dựng thành phố giáo dục và thành phố y tế cung cấp dịch vụ chất lượng cao về giáo dục - đào tạo và y tế cho người dân trong, ngoài tỉnh.
 


Đại diện lãnh đạo các ngành phát biểu tham luận tại hội nghị.

Thực hiện 4 khâu đột phá: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh thủ tục hành chính với mục tiêu “4 tăng”, “2 giảm” và “3 không”, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, huy động và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu của tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống.

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học- kỹ thuật,nhất là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cùng với các chính sách của Trung ương; tập trung xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; trong đó, lấy doanh nghiệp là trung tâm làm động lực để phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng chính sách thu hút nhân tài về địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có chính trị tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực, trách nhiệm, uy tín, tận tụy ngang tầm nhiệm vụ.
 


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền  phát biểu cho ý kiến vào quy hoạch tại hội nghị.

Dự thảo lần 1 Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề xuất mô hình theo không gian tỉnh Thanh Hóa; vùng động lực TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, Bỉm Sơn - Thạch Thành, Lam Sơn - Sao Vàng. Trụ cột là Công nghiệp chế biến chế tạo, Du lịch, Y tế, Nông nghiệp, Hạ tầng. Các hành lang phát triển: Vùng dọc tuyến Quốc lộ 1A và đường Cao tốc, ven biển và vùng biển, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, dọc tuyến Quốc lộ 217, hành lang Nghi Sơn - Lam Sơn - Sao Vàng, Quốc lộ 47 Sầm Sơn - Sao Vàng (Sầm Sơn – TP. Thanh Hóa - Lam Sơn - Sao Vàng - Cửa khẩu Khẹo). 4 vùng động lực: TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn, Khu kinh tế Nghi sơn, Bỉm Sơn – Thạch Thành, Lam Sơn - Sao Vàng.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa của Thủ tướng Chính phủ để triển khai kế hoạch. Diện tích tự nhiên của tỉnh phân ra các loại đất, nhất là ở các huyện, sao cho tổng diện tích phù hợp với số liệu của tỉnh (đất rừng, đất văn hóa, đất nông nghiệp,...) và thống nhất đưa vào quy hoạch. Về phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rà soát, có phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước.Trong quy hoạch chưa có mục quy hoạch thủy lợi, cần quan tâm đến phòng chống thiên tai, xây dựng hệ thống thoát nước cho hai huyện Yên Định và Thọ Xuân. Trong 4 khâu đột phá, vấn đề thứ 3 chưa rõ ràng, nên thay bằng đột phá trong nông nghiệp, như: Tích tụ ruộng đất, nông nghiệp hữu cơ,... Trong 5 trụ cột thì y tế chưa thể thành ngành kinh tế mang lại GDP và đó chỉ có thể trở thành ngành phục vụ nhân dân. Về phát triển du lịch trải nghiệm, đề suất đưa khu bảo tồn sinh thái Pù Luông vào phương án bảo tồn thiên nhiên. Về y tế, ở vùng núi cao chỉ nên xây bệnh viện huyện và trong 10 năm tới nên quy hoạch khu vực bệnh viện vùng núi cao để người dân tiện đi lại, thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh. Cần có các chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ. Các khâu đột phá cần thực hiện mạnh hơn, tạo ra sự đột phá.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ quan trọng và sẽ xuyên suốt trong giai đoạn phát triển tiếp theo của tỉnh. Vì vậy, đồng chí yêu cầu sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh thời gian qua và sớm hoàn thành quy hoạch ngành, lĩnh vực; tiếp thu ý kiến của các đại biểu để bổ sung vào quy hoạch ngành mình. Đặc biệt, bản quy hoạch phải có tính dự báo tình hình trong nước và thế giới thời gian tới, kết hợp sự phát triển với an ninh quốc phòng và có tính hệ thống cho từng giai đoạn cụ thể. Các ngành cần sớm hoàn chỉnh lại quy hoạch ngành của mình để gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, tổng hợp.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu kết luận tại hội nghị.

Về Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí lưu ý Ban chỉ đạo phải chú ý đến một số vấn đề cụ thể sau: Về mục tiếu phấn đấu đến năm 2025, bản quy hoạch phải đưa được mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước. Tính toán lại các chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước và số người tham gia bảo hiểm y tế. Hệ thống các chỉ tiêu phải bám sát kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua.

Ngoài ra, quy hoạch cần bổ sung không gian, trụ cột phát triển, xác định rõ hành lang phát triển; phương án phát triển các ngành quan trọng. Rà soát từng sản phẩm công nghiệp chủ lực, định hướng phát triển công nghiệp cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Về quy hoạch đô thị; phương án phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao, các khu du lịch, các khu nghiên cứu đào tạo, các vùng nông nghiệp tập trung công nghệ cao; quy hoạch các khu dân cư thành đô thị nông thôn, các khu vực an ninh – quốc phòng; Phương án phát triển mạng lưới giao thông, phát triển hệ thống lưới điện; mạng lưới viễn thông; mạng lưới thủy lợi… Đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo cần kế thừa, cập nhật dựa trên cơ sở các quy hoạch đã có; từ đó có chính sách định hướng ưu tiên phát triển từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo nhanh chóng hoàn chỉnh lại Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xong trước ngày 15/01/2020, báo cáo UBND tỉnh xem xét và lên kế hoạch tổ chức hội thảo theo từng chuyên đề các ngành cụ thể trong thời gian tới.


Theo Thanhhoa.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)