Lấy ý kiến phản biện vào dự thảo “Đề án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

Thứ tư, 25/12/2019 11:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Toàn cảnh hội nghị

Theo Tờ trình của Liên Sở Xây dựng - Sở Tài chính về việc xây dựng giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP, với thực tế hệ thống thoát nước TP Hà Nội đã được xây dựng qua nhiều thời kỳ, mới cũ đan xen. Đồng thời, đây là hệ thống thoát nước chung nước thải và nước mưa. 

Trong các năm qua, TP tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ nhiều nguồn lực như ngân sách, nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên dù đã được thu gom toàn bộ nhưng hiện chỉ khoảng 20% nước thải được xử lý. Vì thế, giá dịch vụ thoát nước trong 5 năm (2014 - 2018) cũng được xác định bao gồm toàn bộ chi phí thu gom, nạo vét hệ thống thoát nước và 20% chi phí xử lý lượng nước thải. 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3, Thông tư 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018, nước thải do hộ thoát nước (trừ nước thải hộ gia đình) tùy theo hàm lượng chất gây ô nhiễm, giá dịch vụ thoát nước được nhân thêm hệ số K. Tuy nhiên, hiện nay, không đủ điều kiện xác định theo hàm lượng chất lượng gây ô nhiễm của nước thải của từng đối tượng xả thải. Từ các nguyên nhân trên, để phù hợp với thực tế công tác thoát nước và xử lý nước thải, Đề án xác định giá dịch vụ thoát nước với giả thiết toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý, không áp dụng hệ số K đối với khối lượng nước thải do hộ thoát nước (trừ nước thải hộ gia đình) thải ra. 

Dựa vào thực tế đó, Liên Sở Xây dựng - Tài chính đề xuất phương án thu giá dịch vụ thoát nước đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xả thải nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP với mức khởi điểm từ năm 2019 là 20% với đối tượng nước phục vụ sinh hoạt có mức tiêu thụ nước hàng tháng dưới 30m3; 30% đối với hộ dân có mức tiêu thụ nước hàng tháng trên 30m3, cơ quan sự nghiệp, công cộng, đơn vị sản xuất vật chất, kinh doanh. Lộ trình mức thu này sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm, từ năm 2020 đến năm 2023. 

Tại hội nghị, đa số các ý kiến đều cho rằng Đề án rất cần thiết và cấp bách. Phù hợp với nguyên tắc “ai hưởng dịch vụ thì người đó phải trả tiền”. Không những góp phần giảm áp lực ngân sách mà còn góp phần đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao nhận thức của người dân trong việc xả thải nước. 

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng Đề án đã phân định mức thu đến từng đối tượng người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng cần chủ động tuyên truyền giải thích để người dân hiểu đúng, đủ về việc thu giá dịch vụ thoát nước, góp phần sớm ban hành dự thảo.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)