Thực hiện các nội dung theo trách nhiệm được giao theo Nghị định 38/2015 ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định 491 ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050… Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tiến hành đánh giá một số công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu và phát triển trong nước; triển khai rà soát tính hiệu quả, phù hợp với thực tế của các công nghệ có khả năng nhân rộng trong xử lý chất thải rắn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá và đề xuất giải pháp
Theo Thạc sĩ Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Ngay từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung Báo cáo nêu rõ, về công nghệ xử lý chất thải rắn áp dụng tại Việt Nam đang phổ biến 3 hướng công nghệ. Đó là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ; công nghệ đốt gồm có đốt thông thường, đốt có thu hồi nhiệt. Ngoài ra còn có một số dự án áp dụng công nghệ mới như công nghệ xử lý chất thải rắn tạo khí biogas phát điện, công nghệ khí hóa xử lý chất thải rắn phát điện, công nghệ tạo viên đốt làm nguyên liệu, công nghệ đốt phát điện…
Về công nghệ đốt: Hiện các dự án mới triển khai tại Việt Nam chủ yếu áp dụng công nghệ đốt với các lò quy mô từ 10 tấn-400 tấn/ngày được thiết kế, chế tạo bởi kỹ sư và các nhà khoa học trong nước. Công nghệ đốt rác thải rắn thông thường, đốt thu hồi nhiệt được các nhà khoa học và kỹ sư trong nước làm chủ và nội địa hóa thành công. Công nghệ đốt chất thải rắn phát điện cũng đã được một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện. Mặt khác, một số công nghệ điện rác đang được các nhà khoa học, kỹ sư trong nước nghiên cứu và sẽ đua vào ứng dụng trong thời gian tới.
Thực tế qua các dự án cho thấy công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ không hiệu quả, do thị trường khó chấp nhận sản phẩm từ chất thải rắn. Nên các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí, hoặc kỵ khí trong thời gian từ khoảng 40-45 ngày. Một số cơ sở đang hoạt động là Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nam Bình Dương, thuộc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước và môi trường Bình Dương (sử dụng dây chuyền thiết bị Tây Ban Nha, công suất 420 tấn/ngày); Nhà máy xử lý và chế biến chất thải Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH MTV quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh (sử dụng dây chuyền thiết bị của hãng Mernat-Bỉ, công suất 200 tấn/này)…
Hiện các bãi chôn lấp ở các địa phương trên cả nước đều trong tình trạng quá tải, có bãi xuất hiện hiện tượng gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đối với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, trong nước đã làm chủ được thiết kế, chế tạo và lắp đặt, vận hành dây chuyền công nghệ. Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước-Môi trường Bình Dương…
Trong áp dụng công nghệ điện rác, hiện nay có Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp phát điện đầu tiên ở địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn-Hà Nội với công nghệ của Công ty Hitachi Zosen-Nhật Bản, công suất 75 tấn/này. Công nghệ chuyển hóa chất thải rắn thành điện do Công ty TNHH Thủy lực-Máy sử dụng khí tổng hợp synagas để chạy động cơ đốt trong phát điện. Công nghệ này đã thí điểm tại Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường ở Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam với có công suất 20 tấn/này và tại bãi rác Gò Cát, Thành phố Hồ Chí Minh công suất 50 tấn/ngày…
Thạc sĩ Đinh Nam Vinh khẳng định, điện rác đang là xu thế công nghệ hiện nay trên thế giới, nhiều dự án tại Việt Nam đang xin triển khai theo mô hình công nghệ này. Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 31/2014 ngày 5/5/2014 quy định về giá mua điện cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác. Việc áp dụng công nghệ điện rác giải quyết được vấn đề về môi trường và tận dụng năng lượng từ rác thải. Đây là công nghệ đáng được khuyến khích, phát triển trong thời gian tới.
Tăng cường công tác nghiên cứu và thẩm định công nghệ
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng, triển khai Chương trình "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai", trong đó mục tiêu liên quan đến đến lĩnh vực này là "Phát triển được một số công nghệ, thiết bị, vật liệu, chế phẩm mới, thích hợp để xử lý môi trường nhằm triển khai nhân rộng, chuyển giao và thương mại hóa, đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững".
Theo đó, Chương trình KC.08/16-20 đang triển khai thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý sinh học có kiểm soát mùi và nước rỉ rác để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam", với mục tiêu: Xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học có kiểm soát mùi và nước rỉ rác, để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam; Có mô hình kiểm định chất lượng công nghệ nêu trên ngoài hiện trường và sản phẩm dự kiến là quy trình công nghệ xử lý sinh hoạc cho trạm xử lý rác thải tập trung, một mô hình kiểm định chất lượng công nghệ mới có quy mô 30-50 tấn rác tươi/mẻ đáp ứng yêu cầu không mùi và nước rỉ rác, bộ chủng vi sinh vật bản địa phù hợp giải pháp công nghệ này.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn; đánh giá xem xét giới thiệu các công nghệ phù hợp để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực xử lý môi trường thì công nghệ xử lý chất thải rắn phát điện, Việt Nam vẫn chưa làm chủ và nhân rộng được. Lý do vì tổng mức đầu tư cao so với các công nghệ xử lý chất thải rắn khác, Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi và cơ chế hỗ trợ cũng chưa phù hợp…
Đối với hoạt động thẩm định công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn và thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá, thẩm định 19 công nghệ xử lý chất thải rắn đang sử dụng trong nước để tạo điều kiện áp dụng trên thực tế. Công tác xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn được tăng cường, hiện đã thẩm định và công bố 19 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp thực hiện đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến sau khi các nhà máy điện rác đưa vào vận hành chính thức và hòa vào lưới điện quốc gia, Bộ sẽ tổng hợp và đánh giá lại công nghệ của một số dự án, xác định định mức phát điện cũng như tính hiệu quả của công nghệ.
Theo TTXVN