Hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, hàng loạt công trình công cộng dân sinh cùng các khu đô thị hiện đại được đưa vào sử dụng khiến không ít người dân thành phố cũng phải ngỡ ngàng trong niềm tự hào về sự “thay da đổi thịt” của thành phố Cảng.
Để có được những dấu ấn này, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã có những quyết sách táo bạo và hành động quyết liệt, đặt lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trên hết. Và khi người dân đồng thuận thì việc gì dù khó đến mấy cũng sẽ thành công.
Bất kể thời điểm nào trong ngày, sáng sớm, xế chiều hay tận khuya muộn tại công viên Tam Bạc luôn sôi động trong tiếng nhạc vui nhộn tập thể dục của người dân. Hình ảnh các em nhỏ tung tăng nô đùa trong công viên cây xanh, các cụ già thong thả tản bộ quanh quảng trường khang trang, đón những làn gió mát lành từ sông Tam Bạc là những khoảnh khắc yên bình và hạnh phúc trong nhịp sống hối hả của thành phố Cảng.
Công viên Tam Bạc được xây dựng khang trang, hiện đại trên khu vực xung quanh bến xe Tam Bạc trước đây
- vốn là "điểm nóng" về an ninh trật tự của thành phố.
Công viên Tam Bạc được xây dựng trên khu vực xung quanh bến xe Tam Bạc trước đây. Khu vực này vốn chật chội, nhếch nhác, là “điểm nóng” về an ninh trật tự, là nỗi kinh hoàng của người dân mỗi khi đi qua đây.
Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng hơn 60 năm, bà Vũ Thị Chậm, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân chia sẻ: “Ngày xưa, đi qua khu này rất sợ. Ấn tượng bến xe Tam Bạc thì cảm thấy tệ nạn của thành phố mình dồn vào khu này. Bây giờ thì đi vô tư, thể dục thể thao, quá tuyệt vời. Chả bao giờ nghĩ là con cháu mình làm được thế này”.
Gần 20 máy tập thể dục được lắp đặt tại Công viên Tam Bạc để phục vụ người dân.
Để xây dựng được công viên cây xanh Tam Bạc như ngày hôm nay là nhiệm vụ không hề đơn giản. Thành phố Hải Phòng đã phải giải phóng mặt bằng gần 3,4 ha, trong đó có hơn 220 hộ dân và nhiều công trình, cơ quan công sở như: bến xe, trường học, bệnh viện…
Đây lại là khu trung tâm thành phố, thuận lợi về làm ăn, buôn bán, nên việc vận động người dân di dời là điều không dễ dàng, nhất là khu vực này vốn được mệnh danh là “xóm liều” đất Cảng.
Cầu Tam Bạc, cây cầu có kiến trúc đẹp, hài hòa trong tổng thể kiến trúc đô thị của thành phố Hải Phòng, lung linh khi đêm xuống.
Ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân chia sẻ, nếu không có tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm chính trị của người đứng đầu thành phố, sự đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân vì sự phát triển chung của Hải Phòng thì không thể thực hiện được dự án công viên cây xanh Tam Bạc nói riêng và các công trình, dự án trọng điểm khác ở Hải Phòng trong những năm gần đây.
Tòa tháp 45 tầng cao nhất Đông Bắc Bộ tại Trung tâm Khu đô thị Vinhomes Imperia Hải Phòng
nổi bật giữa hai dòng sông Cửa Cấm và Thượng Lý của thành phố Cảng, bao quát trọn vẹn tầm nhìn thành phố.
“Chúng tôi phải phân ra từ lãnh đạo quận, các đồng chí trong Ban thường vụ, chia thành các nhóm, xuống từng địa bàn, từng hộ dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Nhà có đảng viên, nhà có hội viên của các tổ chức đoàn thể thì tuyên truyền, vận động qua các kênh đó. Rồi thông qua người thân của họ, những người có uy tín trong nội bộ gia đình tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án….”, ông Du nói.
Dự án chỉnh trang bờ sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) được coi là
"dải trung tâm thành phố thứ hai", có vị trí quan trọng kết nối dải trung tâm thành phố
từ Cảng Hoàng Diệu tới khu vực Bến Bính và 2 bờ sông Tam Bạc.
Những ngày đầu Xuân năm mới, trở lại nền đất cũ của gia đình, nay là dải cây xanh phủ bóng mát trong công viên Tam Bạc, ông Vũ Văn Lợi, một trong số những hộ đầu tiên ở tổ 15 phường Cát Dài, quận Lê Chân đã nhường đất cho dự án bày tỏ: “Bà con thấy tiêu chí của thành phố Hải Phòng là mở mang để thành phố đẹp hơn thì bà con cũng đồng tình dời đi. Chúng tôi là người dân khi trở lại thấy quá đẹp, cảm thấy tự hào vì đã tham gia đóng góp một phần nhỏ bé, góp sức chung với thành phố mở mang dải trung tâm của thành phố…”.
Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương
(huyện Thủy Nguyên),có hình dáng "cánh chim biển",sau khi hoàn thành sẽ là tiền đề
mở rộng đô thị Hải Phòng sang phía Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên).
Công viên Tam Bạc gắn với tuyến phố đi bộ khang trang, sạch sẽ; khu đô thị Vinhome Riverside đẳng cấp với Tòa tháp 45 tầng cao nhất vùng Đông Bắc Bộ; các trục giao thông hướng tâm, các nút giao thông trọng điểm, các cây cầu quan trọng nối liền mạch giao thông giữa các quận huyện, giữa đất liền và hải đảo đã và đang tạo một diện mạo đô thị mới ở thành phố hoa Phượng đỏ.
Chủ trương đúng đắn với tầm nhìn chiến lược của Thành ủy Hải phòng; hành động đồng lòng, trách nhiệm của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân: tất cả vì sự phát triển chung của thành phố. Đó là kim chỉ nam giúp thành phố Cảng đang từng ngày bứt phá thay đổi diện mạo, phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, hiện đại gắn với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, đồng lòng thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Theo vov.vn