Hướng tới thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai

Thứ tư, 05/12/2018 12:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với quan điểm “hạ tầng đi trước một bước”, những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trong tương lai gần.

Hạ tầng kỹ thuật thành phố Vĩnh Yên đang dần hoàn thiện, theo hướng xanh và hiện đại. Ảnh: Chu Kiều

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 20/10/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04- NQ/TU về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025; ban hành các kế hoạch, chương trình hành động triển khai, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Trong 3 năm (2016 -2018), toàn tỉnh huy động được gần 86 nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã có 2 thành phố: Vĩnh Yên là đô thị loại 2 và Phúc Yên là đô thị loại 3; tỷ lệ đô thị hóa trên toàn tỉnh năm 2018 ước đạt gần 36%; dân số đô thị đạt trên 387 nghìn người.

Tập trung đầu tư hạ tầng khung đô thị, UBND tỉnh đã triển khai 53/63 dự án, nhóm dự án hạ tầng đô thị, với tổng vốn đầu tư gần 6.360 tỷ đồng. Trong đó, đường vành đai 1, đầu tư xong gần 23km gồm đường quốc lộ (QL) 2 vòng tránh thành phố Vĩnh Yên, đường QL2 cũ và đường Yên Lạc-Vĩnh Yên; đường vành đai 2, hoàn thành đường Hương Canh-Tân Phong, QL2 vòng tránh Hương Canh, đường Tôn Đức Thắng (Vĩnh Yên-TL302); đường vành đai 3, hoàn thành đoạn từ QL2-Bình Dương), đường KCN Bình Xuyên (QL2-TL310).

Các đơn vị thi công đang triển khai đường trung tâm chuỗi công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Xuyên-Yên Lạc-Vĩnh Tường. 10 tuyến đường hướng tâm, đường nội thị chính tiếp tục được đầu tư xây dựng, trong đó, các tuyến: QL2 (đoạn Vĩnh Yên-Nội Bài); QL2C đi Tuyên Quang; tỉnh lộ 305 (đoạn từ vành đai 1 đến vành đai ngoài; Tỉnh lộ 305 (đoạn Quán Tiên-cầu Bến Gạo)… đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, thúc đẩy phát triển KT- XH ở các địa phương.

Cùng với hệ thống giao thông, hạ tầng cấp điện, hạ tầng thông tin ngày càng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có trên 193km đường dây cao áp, 1.432km đường dây trung áp (10- 35kV), gần 2.200km đường dây hạ thế, 100% các xã được phủ lưới điện quốc gia; 5 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động với hơn 2.200 trạm BTS được mở rộng vùng phủ sóng tại các khu vực thành phố, trung tâm huyện, các điểm du lịch, KCN; mạng thông tin di động 3G phủ 100% địa bàn các khu dân cư; gần 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cơ quan Đảng các cấp được đầu tư xây dựng hệ thống mạng LAN và kết nối Internet cáp quang, mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% các đơn vị sở, ngành có cổng thông tin điện tử đồng bộ công nghệ với cổng thông tin giao tiếp điện tử của tỉnh. 100% cơ quan, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức có hộp thư điện tử công vụ…

Đặc biệt, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến…được đưa vào vận hành hiệu quả. Dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 42 thủ tục hành chính được hoàn thiện, đồng bộ và đang chuẩn bị triển khai 353 thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định quy hoạch chung đô thị loại V theo Chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Phúc; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉnh trang phát triển đô thị; tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025; xây dựng kế hoạch cụ thể về lộ trình thực hiện các tiêu chí xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai kế hoạch phát triển cấp, thoát nước đô thị và KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; hoàn thiện quy định quản lý cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án phát triển đô thị.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là mặt bằng các KCN, các dự án lớn, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, các công trình kết cấu hạ tầng khung đô thị. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các khu thiết chế cho công nhân tại các KCN; xây dựng chính sách khuyến khích, phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, công nhân và người lao động có thu nhập thấp.

Trước mắt, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phấn đấu năm 2019 hoàn thành Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, cơ bản hoàn thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số tuyến giao thông quan trọng.


Theo báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)