Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, cửa ngõ giao thương quốc tế ở Lào Cai

Thứ hai, 03/12/2018 14:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉnh Lào Cai đang tập trung khai thác lợi thế cửa khẩu nhằm xây dựng thành phố Lào Cai thành đô thị hiện đại, văn minh, xứng đáng là cửa ngõ giao thương lớn ở miền núi, biên giới phía bắc.

Một góc thành phố Lào Cai hôm nay.

Hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tính liên kết cao

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Lào Cai Mai Đình Định đưa chúng tôi đến thăm tuyến phố kiểu mẫu An Dương Vương, ở phường Kim Tân, với con đường nhựa rộng rãi, sạch sẽ và những ngôi nhà liền kề đồng cốt cao cùng mặt tiền hiện đại, hành lang lát đá xẻ, thay thế cây xanh đồng loại theo tiêu chí đô thị loại I, hệ thống điện thắp sáng, cáp quang được ngầm hóa. Sải bước trên tuyến phố khang trang, xanh- sạch- đẹp, đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, toàn bộ kinh phí hơn sáu tỷ đồng để chỉnh trang đều từ nguồn xã hội hóa, không phải dùng ngân sách Nhà nước. Đây là một trong hàng trăm tuyến phố kiểu mẫu, tuyến phố văn minh ở thành phố Lào Cai hôm nay.

Ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1991), Tỉnh ủy Lào Cai đã xác định xây dựng đô thị tỉnh lỵ hiện đại, văn minh, giàu bản sắc dân tộc bằng Đề án 04 chỉ rõ mục tiêu và những giải pháp xây dựng đô thị hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững, có tính liên kết cao. Thực hiện đề án của tỉnh, Thành ủy Lào Cai tập trung vào hai khâu, đó là ban hành Nghị quyết 06 và Chỉ thị 01 về xây dựng hạ tầng, xây dựng tuyến phố văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường đô thị; lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo UBND thành phố và Trưởng phòng quản lý đô thị bảo đảm đào tạo chuyên môn, có năng lực công tác và phẩm chất đạo đức.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố Lào Cai được chia thành bốn phân khu chức năng, mỗi phân khu có các điểm nhấn về kiến trúc bảo đảm hài hòa với tổng thể quy hoạch theo nguyên tắc đã đề ra, đồng thời bảo đảm các chức năng theo quy hoạch, trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa lợi thế tự nhiên và xã hội của vùng. Hiện nay, tỉnh và thành phố đang tập trung triển khai các hạng mục xây dựng theo đúng quy hoạch. Nhiều phần việc đã hoàn thành. Thành phố kiên quyết giải tỏa cả một khu phố nằm trên “con đường vàng” Nguyễn Huệ, sát biên giới, để dành mặt bằng và không gian quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của “cửa ngõ” thông thương với cửa khẩu Hồ Kiều vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đảng bộ tỉnh Lào Cai ra nghị quyết về di chuyển các cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể về khu đô thị mới Cam Đường. Tại phân khu chức năng hành chính này, có 10 khu nhà hợp khối cao tầng, mỗi khu nhà được bố trí cho bốn đến năm sở, ngành, đoàn thể có chức năng tương đồng.

Đồng chí Tô Ngọc Liễn, Phó chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết: Việc xây dựng trụ sở hợp khối đạt mục đích “một tăng, ba giảm”, đó là: tăng khối nhà quy mô cao tầng, tiện ích phù hợp với đô thị hiện đại; giảm quỹ đất, giảm kinh phí xây dựng 30%, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định. Phân khu chức năng hành chính bám dọc theo đại lộ “xương sống” Trần Hưng Đạo, rộng 58 mét, dài hơn 10 km với bốn làn xe cơ giới. Các khu nhà hợp khối cao tầng được bố trí trên các quả đồi để hạn chế san gạt mặt bằng, tiết kiệm kinh phí và bảo tồn tối đa địa hình, môi trường tự nhiên. Nét đặc sắc của phân khu hành chính các cơ quan tỉnh là “phố trong rừng và rừng trong phố”, với 150 ha rừng cảnh quan chạy dọc khu đô thị mới Cam Đường, bám theo đại lộ Trần Hưng Đạo và đại lộ Võ Nguyên Giáp. Phân khu kinh tế cửa khẩu, thương mại được bố trí tại các phường nằm giáp biên giới và cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, bao gồm các văn phòng đại diện, trụ sở doanh nghiệp, ngân hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… Phân khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ở phía tây nam thành phố, rộng 800 ha, dành cho khai trường và các nhà máy khai thác và chế biến sâu a-pa-tít phục vụ sản xuất phân bón và hóa chất. Phân khu vành đai xanh, bao gồm các xã ngoại ô như Tả Phời, Hợp Thành dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai chuyển đổi chức năng hai khu công nghiệp Kim Thành và bắc Duyên Hải thành các khu đô thị mẫu, tạo khu đô thị dân cư đối đẳng với Hà Khẩu (Trung Quốc). Nhờ làm tốt khâu quy hoạch nên diện mạo thành phố mang nét hiện đại mà vẫn giữ được cảnh quan và bản sắc văn hóa của vùng đất đa dân tộc ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Hệ thống giao thông của thành phố Lào Cai được các chuyên gia giao thông đánh giá là phù hợp, đồng bộ, hiện đại, thông thoáng nhất, nhì trong khu vực, bởi tám trục huyết mạch chạy dọc hai bên tả và hữu sông Hồng, kết nối bắc - nam; tám trục kết nối đông - tây. Theo quy hoạch có tám cây cầu, hiện nay đã có bốn cây cầu bê tông vĩnh cửu khổ rộng bắc qua sông Hồng và hệ thống hàng chục đường ngang kết nối ô bàn cờ với đường trục chính chạy dọc thành phố, giúp hình thành nên các tuyến phố, khu dân cư liên hoàn. Nhờ có gần 300 km đường đô thị được bố trí khoa học, thông thoáng nên ở thành phố Lào Cai 100% nhà ở dân cư đều bám mặt đường, xe ô tô có thể vào cửa nhà. Ở vị trí “đắc địa” về giao thông, bằng hình thức xã hội hóa, Công ty cổ phần vận tải Hà Sơn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, thiết kế và xây dựng bến xe khách hiện đại, thông minh, bảo đảm giao thông thuận tiện, an toàn cho hàng trăm xe khách chất lượng cao chạy từ thành phố Lào Cai đến các địa phương trong cả nước.

Sạch đẹp và văn minh

Người dân địa phương và du khách đến thành phố Lào Cai đều cảm nhận rõ không khí trong lành nhờ có 13 công viên và tiểu công viên được xây dựng tại các phân khu chức năng. Ngay tại trung tâm khu hành chính Cam Đường, bên cạnh quảng trường rộng lớn với thảm cỏ và cây xanh là dải rừng cảnh quan được giữ nguyên trạng như “lá phổi xanh” của thành phố. Phó giám đốc Công ty cổ phần môi trường - đô thị Bùi Văn Tốt cho biết, tỉnh đã xây dựng một nhà máy xử lý rác thải hiện đại ở ngoại ô, công suất 150 tấn/ngày, với tổng vốn đầu tư hơn 94 tỷ đồng. Hằng ngày, nhà máy này xử lý khoảng 125 tấn rác các loại, phân loại và chế biến rác thải hữu cơ và vô cơ thành phân hữu cơ vi sinh, mùn dừa và hạt nhựa. Bên cạnh đó, thành phố vừa đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải do Cộng hòa Pháp tài trợ, với năng lực xử lý toàn bộ nước thải của thành phố đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. Thực hiện dự án cải tạo và chỉnh trang đô thị, đến nay thành phố đã ngầm hóa lưới điện, viễn thông các tuyến phố chính như: An Dương Vương, Soi Tiền, Hồng Hà…

Bên cạnh hạ tầng và môi trường, thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại. Thành phố ứng dụng phần mềm VNPT-Igate và phần mềm Ioffice đối với 17/17 xã, phường và các phòng, ban chuyên môn để rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, tất cả các xã, phường có bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả, giảm được 30% thời gian giải quyết đối với 147 thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, thành phố Lào Cai đã được công nhận là đô thị loại 2, phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1 vào năm 2020. Để thực hiện điều này, tỉnh Lào Cai tập trung nguồn lực khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm cùng với kêu gọi các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Tập đoàn Bitexco, FLC… đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng/năm để mở rộng đô thị thành phố từ 229 km2 lên 284 km2, tăng dân số thêm khoảng 100 nghìn người, đạt tiêu chí đô thị loại 1. Đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, với hệ thống giao thông đồng bộ, bao gồm đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường sắt, tương lai gần là đường hàng không, với sân bay lưỡng dụng Cam Cọn, tỉnh Lào Cai quyết tâm xây dựng thành phố Lào Cai thành đô thị thành phố hiện đại, văn minh xứng đáng là “cửa ngõ” thông thương quốc tế ở biên giới phía Bắc.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)