Ngoài các ưu đãi của trung ương, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh như miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt...
Tổ chức, cá nhân có công vận động doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh cũng được thưởng tối đa tới 500 triệu đồng.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại tỉnh Thanh Hóa, cho biết, trong số 50 dự án tỉnh kêu gọi đầu tư có 9 dự án thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn 1,7 tỷ USD, 13 dự án công nghiệp có vốn đầu tư 1,425 tỷ USD, 9 dự án đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn 945 triệu USD...
Trong số này có nhiều dự án lớn như Khu du lịch phía đông đường ven biển huyện Quảng Xương với số vốn 700 triệu USD; Khu du lịch phía đông đường ven biển thành phố Sầm Sơn với số vốn 300 triệu USD; Nhà máy sản xuất hạt nhựa PVC, PP, PE có công suất 100.000-300.000 tấn/năm với số vốn 250 triệu USD...
Đặc biệt, dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao, môi trường sẽ được miễn 100% tiền sử dụng đất, thuê đất. Tiêu biểu như Khu liên hợp thể dụng thể thao tỉnh Thanh Hóa với tổng số vốn 210 triệu USD; Xử lý môi trường đô thị Khu kinh tế Nghi Sơn (công suất 17.000 m3/ngày đêm) với số vốn 100 triệu USD; Nhà máy điện năng lượng mặt trời nốt lưới (80 triệu USD)...
Dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tỉnh Thanh Hóa có quy mô 300 giường bệnh cũng được giảm 60% tiền sử dụng đất, thuê đất...
Với các dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có công suất 200 tấn/ngày đêm, ngoài việc được hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất, thuê đất, tỉnh còn hỗ trợ 320.000 đồng/tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại các huyện, cụm công nghiệp dệt may với tổng số vốn 250 triệu USD cũng được hỗ trợ 0,7-2,3 tỷ đồng/ha./.
Theo TTXVN