Phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa

Thứ hai, 17/04/2017 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển đô thị nhanh, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân nhưng cũng tạo ra áp lực lớn về đất đai, việc làm, môi trường… Để chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, thành phố đã đề ra chiến lược xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa…

Sản xuất nón lá tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Chủ động quy hoạch

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2017” của Thành ủy Hà Nội, hiện nay cơ cấu nông nghiệp của thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ lệ trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm nông sản của nông nghiệp Thủ đô đã khẳng định được thương hiệu, có vị trí đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Thành phố hiện đang chủ động rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới (NTM) phù hợp tiến trình đô thị hóa để xây dựng phương án vùng sản xuất tập trung về cây trồng, vật nuôi. Hạ tầng kinh tế, xã hội tại các vùng nông thôn được tăng cường. Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đường làng, ngõ xóm, kênh mương theo định hướng quy hoạch, mở rộng không gian đô thị.

Hiện, Hà Nội đã phê duyệt xong quy hoạch của tất cả 386 xã trên địa bàn thành phố. Trước đây, khi chưa có đề án NTM gắn với phát triển đô thị, thành phố đã có định hướng về vấn đề này, tuy nhiên chưa được đậm nét. Bây giờ nông thôn ở Hà Nội đã có phố trong làng, một làng đã hình thành nhiều tuyến phố văn minh, hiện đại. Thí dụ như xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm hiện nay đã xuất hiện nhiều phố kinh doanh sầm uất, hay như phố nghề ở Bát Tràng đã và đang được hình thành từ xã làm nghề gốm, sứ truyền thống. Tuy nhiên, đôi khi phát triển tự phát theo nhu cầu buôn bán, kinh doanh của người dân cho nên có rất nhiều bất cập. Do đó, cần phải có định hướng để quy hoạch các xã để tiến lên phường. Tại Hà Nội hiện có khá nhiều huyện đang tiến lên đô thị hóa với tốc độ nhanh như: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh… Thực tế, Hà Nội đã phải “trả giá” cho sự phát triển đô thị hóa nhanh ở huyện Từ Liêm. “Sau một đêm” xã thành phường, huyện thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Do không chủ động trong quy hoạch cho nên trên địa bàn hai quận này có nhiều phố nhỏ, ngóc ngách, giao thông khó khăn, phức tạp do bản thân nó trước đây là ngõ làng, ngõ xóm. Nếu xảy ra vấn đề gì, xe cứu thương, cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường.

Công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn gắn với việc phát triển mạnh các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những “công nhân nông dân” có trình độ khoa học, sản xuất tiên tiến là một trong những giải pháp quan trọng thành phố đặt ra cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cùng với việc hoàn thiện công tác quy hoạch, Hà Nội đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương tiếp tục chính sách đất đai, dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện giải phóng nhanh mặt bằng cho các công trình xây dựng, nhất là các khu chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao.

Cần những bước đi thích hợp


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, nhiều huyện hiện đã trở thành quận ở Hà Nội nhưng vẫn còn có hội làng, nhiều nơi người thành phố vẫn lội đồng làm ruộng cấy lúa, trồng màu. Thời gian tới, Hà Nội sẽ còn có năm đô thị vệ tinh, đã được Chính phủ phê duyệt gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên. Do vậy, câu chuyện quy hoạch tổng thể các xã, huyện NTM để phát triển thành các phường, quận là bắt buộc và cần có những bước đi thích hợp để vừa hiện đại vừa giữ được những nét văn hóa truyền thống của làng quê.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành để di dân các cơ sở công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành. Trong chiến lược xây dựng, phát triển chùm đô thị, thành phố sẽ xây dựng đô thị trung tâm hạt nhân đa hệ, đa tầng, đa chức năng, mạng lưới các đô thị vệ tinh chuyên năng công nghệ cao, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo (Hòa Lạc, Xuân Mai), du lịch, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (Sơn Tây), công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao (Sóc Sơn), công nghiệp (Phú Xuyên-Phú Minh); các đô thị lẻ là trung tâm hành chính khu vực (các huyện, tiểu vùng) và trung tâm hội tụ các cơ sở đào tạo, y tế;...Trong đó, có khoảng 30% số lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố cũng tập trung phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu của cả nước và có uy tín quốc tế. Như vậy, hầu hết các khu công nghệ cao, đô thị vệ tinh trong tiến trình đô thị hóa của thành phố đều dựa vào quỹ đất và nguồn nhân lực tại các huyện. Cùng với việc hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, trước việc đất trồng trọt ngày càng bị giảm do quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã xây dựng chiến lược phát triển và khôi phục hiệu quả các làng nghề truyền thống; ban hành Quyết định quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề. Chính sách này được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình đô thị hóa đang ngày càng phát triển tại các khu vực nông thôn ven đô của Hà Nội. Các địa phương đã và đang tích cực nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, quy hoạch và sử dụng đất đai hiệu quả. Nhờ vậy, kinh tế nông thôn nói chung, năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp của Thủ đô ngày càng nâng cao hiệu quả đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)