Thành phố ưu tiên các lĩnh vực cần cho người dân và Hà Nội đang còn yếu, đó là giáo dục, y tế, giao thông và du lịch.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thời gian qua Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến tất cả các Sở, ngành, UBND quận/huyện và 584 xã/phường/thị trấn và Thành phố cũng đang từng bước khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân và tổ chức, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
Hiện nay 4 hệ thống đang được Hà Nội lựa chọn tập trung triển khai là giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh.
“Hai lĩnh vực giáo dục, y tế được làm tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Riêng với lĩnh vực giao thông, hiện nay giao thông Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập như: ùn tắc, số lượng phương tiện quá nhiều (thống kê cho thấy Hà Nội có trên 500.000 xe ô tô và hơn 1,7 triệu xe máy) trong khi đó cơ sở hạ tầng không đảm bảo…
Vì vậy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội cũng là một vấn đề Thành phố lựa chọn tập trung triển khai.
Việc triển khai xây dựng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn Hà Nội hiện đang được Thành phố hợp tác cùng Công ty Nhật Cường triển khai.
Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vào năm 2016, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 - 2017 đã được ứng dụng tại 2.620 đơn vị trường học với hơn 250.000 gia đình học sinh tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng đạt 84,87% đối với mầm non, đạt 51,11% đối với tuyển sinh lớp 1 và 58,18% tuyển sinh lớp 6.
Đến nay, Hà Nội đang dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng giao tiếp điện tử Thành phố. Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin cũng đã bước đầu được triển khai Hà Nội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thành công 5 thành phố thông minh, trong đó có Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Kiên Giang.
Theo Kinh tế đô thị