Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 10-15% hộ có thu nhập thấp và nhà ở chật hẹp với diện tích bình quân sàn nhà ở dưới 10m2/người; khoảng 5% hộ có thu nhập thấp và nhà ở chật hẹp với diện tích bình quân mặt sàn nhà dưới 5m2. Trong đó nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị đến năm 2015 cần khoảng 1.400 căn hộ (tương đương 83.500m2 sàn), đến năm 2020 cần đáp ứng khoảng 1.900 căn hộ (tương với 112.000m2 sàn). Không chỉ vậy trong các KCN hiện nay có khoảng 18.200 lao động đang làm việc thì có trên 2.400 lao động phải thuê nhà dân. Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 145.000 công nhân làm việc tại các KCN, trong đó có khoảng 48.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Như vậy số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở là rất lớn.
Trước thực tế trên, Quảng Ninh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị. Hiện nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án nhà ở xã hội gồm: Dự án nhà ở xã hội tại cụm công nghiệp Kim Sen, phường Kim Sơn, TX Đông Triều do Công ty CP Gốm màu Hoàng Hà làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở xã hội tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí của Tập đoàn Xuân Lãm; Dự án nhà ở xã hội tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, chủ đầu tư là Công ty Duyên Hải - Quân khu 3 và Dự án nhà ở thu nhập thấp tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Tân Thành. Trong đó 2 dự án của Công ty Gốm màu Hoàng Hà và Tập đoàn Xuân Lãm đã triển khai xây dựng.
Cùng với xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân lao động nói chung thì nhà ở tại các KCN cũng được tỉnh quan tâm. Cụ thể, trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Với những KCN chưa bố trí quỹ đất, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại vị trí gần KCN, thuận lợi về giao thông, sinh hoạt cho công nhân lao động. Hiện nay ngoài KCN Hải Yên (TP Móng Cái) đã đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho trên 3.000 công nhân thì các KCN Việt Hưng, Cái Lân, Đông Mai, KCN Cảng biển Hải Hà tỉnh đã bố trí quỹ đất cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Theo đó, các chủ đầu tư KCN và nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai một số dự án nhà ở cho công nhân.
Mặc dù, đã được quan tâm đầu tư nhưng hiện số lượng các công trình nhà ở xã hội không nhiều, thời gian thi công kéo dài, đơn cử như dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về nhà ở cho công nhân lao động. Trong quá trình thực hiện hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn đầu tư, nhất là những doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, dẫn đến các dự án xây dựng nhà ở trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Cùng với khó khăn về vốn đầu tư, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với hàng loạt tác động của thị trường từ biến động giá nguyên vật liệu, giá nhân công, lãi suất vốn vay cao... Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị thời gian qua còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Khảo sát thực tế nhu cầu nhà ở của công nhân đang làm việc tại một số KCN trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết họ đều mong muốn được an cư để yên tâm gắn bó làm việc lâu dài trong các công ty, nhà máy sản xuất trong KCN. Đa phần cặp vợ chồng trẻ do thu nhập có hạn, eo hẹp về tài chính đã lựa chọn phương thức duy nhất là thuê nhà giá rẻ. Họ thuê trọ trong những căn phòng cấp 4 xây tạm của các hộ dân xung quanh khu vực KCN, với giá cho thuê từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng, trong điều kiện sống chật chội, nóng bức, tạm bợ, thiếu thốn. Anh Nguyễn Văn Tiến quê ở Thái Bình đã có thâm niên gần 10 năm làm việc ở KCN Cái Lân, cho biết: Ngày mới vào làm ở KCN tôi và một người bạn cùng thuê trọ, nay lấy vợ sinh con cũng vẫn thuê trọ, đồng lương của hai vợ chồng eo hẹp chẳng biết khi nào mới mua được đất xây nhà. Với tổng thu nhập khoảng 9 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thiết yếu phục vụ cuộc sống, vợ chồng anh Tiến dù có dành dụm được chút ít, song vẫn chưa dám mơ ước được sở hữu 1 căn nhà. Trò chuyện với chúng tôi anh luôn bày tỏ hy vọng các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành để có cơ hội tiếp cận và sở hữu một căn hộ cho gia đình nhỏ của mình. Đây cũng chính là mong muốn của rất nhiều công nhân đang ngày đêm làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.
Vì vậy, thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp rất cần sự quan tâm của tỉnh và các cấp, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo báo Quảng Ninh