Có 24 doanh nghiệp bất động sản muốn tham gia cải tạo chung cư cũ tại TPHCM, đặc biệt đối với các chung cư ở khu vực trung tâm như quận 1, quận 3.
Chung cư Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) nhận đưuọc sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Thành Hoa
Tại quận 1 có 98 lô chung cư cũ thì Tập đoàn C.T Group đã đăng ký tham gia tới gần 90 lô. Cạnh tranh với tập đoàn này tại địa bàn quận 1 còn có các công ty BĐS khác như Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo và liên danh Vinaconex-Hoàng Sơn-Quân Anh.
Tại quận 3, có 35 trên tổng số 45 lô chung cư được các nhà đầu tư quan tâm. Đáng chú ý, tập đoàn Novaland muốn cải tạo tất cả 11 lô của chung cư Nguyễn Thiện Thuật.
Tại khu vực Bình Thạnh, Cư xá Thanh Đa cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, Liên doanh NHO-VPG-TAG-NIBC-Bình Thạnh RESCO và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex quan tâm đến cụm 8 lô số (lô nhà được đánh dấu bằng số thứ tự) của cư xá Thanh Đa. Riêng tại lô IV, ngoài hai doanh nghiệp trên, công ty cổ phần Năng lượng Thiên Ân cũng muốn tham gia vào đầu tư.
Cụm 15 lô chữ (lô được đánh dấu bằng chữ ABCD...) của cư xá này nhận được sự quan tâm của công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung.
Chung cư cũ tại các quận còn lại như quận 5 (203 lô), quận 6 (32 lô), quận Tân Bình (30 lô), quận 11 (30 lô),… nhận được rất ít sự quan tâm của các nhà đầu tư, thậm chí, có quận không có doanh nghiệp nào muốn nhảy vào đầu tư.
TPHCM hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, với tổng số 565 lô chung cư chiếm hơn 59 héc-ta diện tích đất với 26.362 căn hộ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây mới thay thế các chung cư cũ, hư hỏng nặng trên địa bàn, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố phân công, ủy quyền cho UBND quận, huyện trong việc thực hiện cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ.
Theo Người đồng hành